- 19/09/2020
- ĐIỂM ĐẾN MỚI
- Tags: An Nam, An Nam tứ đại khí, Chùa Quỳnh Lâm, Cổ Tự, Đông Triều, ngàn năm tuổi, Quảng Ninh, Trúc Lâm Yên Tử, Trường đại học Phật Giáo
Chùa Quỳnh Lâm, trường đại học Phật Giáo đầu tiên ở Việt Nam
Chùa Quỳnh Lâm (Ðông Triều, Quảng Ninh) là một trong các ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam. Xưa kia chùa là một trung tâm Phật giáo quan trọng của dòng thiền Trúc Lâm. Trải qua ngàn năm với biết bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, chùa Quỳnh Lâm – ngôi chùa đã từng được xem là Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam vẫn còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa.
Chùa Quỳnh Lâm toạ lạc trên một ngọn đồi thoai thoải được gọi là núi Tiên Du, thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Núi Tiên Du nằm trong hệ thống triền đồi chạy dài từ núi Yên Tử, Ngọa Vân xuống vùng đồng bằng.
Chùa Quỳnh Lâm (còn gọi là chùa Quỳnh) có một hồ nước lớn trước mặt, hai cánh tả hữu và sau lưng đều là đồi núi bao bọc, quanh năm gió núi thông reo, vời vợi một màu xanh thẳm. Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng ở thế đất “Đầu gối sơn, chân đạp thủy” mà dân gian vẫn gọi là thế đất “Rồng chầu, Hổ phục”. Bốn góc chùa có bốn gò đất cao được coi là “Bốn mắt Rồng” tứ trấn xuyên thấu tâm sinh.
Chùa nổi tiếng vì nhiều lẽ, một trong các nguyên nhân quan trọng là nơi đây từng có pho tượng Phật khổng lồ, đứng đầu trong Thiên Nam tứ đại khí hay An Nam tứ đại khí, tức bốn thứ kim khí
Theo truyền thuyết dân gian thì Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời Lý Thần Tông do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng. Dân gian truyền lại rằng, khi dựng chùa ông đã cho đúc một pho tượng phật Di Lặc bằng đồng cao sáu trượng (tương đương 20m), pho tượng này được coi là một trong “An Nam tứ đại khí”, pho tượng được đặt trong tòa điện cao bảy trượng. Chính pho tượng này, cùng tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh, Hà Nội), chuông Quy Ðiền (chùa Một Cột, Hà Nội) và vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Ðịnh) – là bốn vật kim khí đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, được xếp vào nhóm quốc bảo “An Nam tứ đại khí” của người Việt ở thế kỷ thứ XII. Trong đó, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm đứng vị trí đầu.
Sau đó, không rõ tượng mất khi nào nên thiền sư Pháp Loa – ông tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, đã cho đúc pho tượng Di Lặc mới cũng hết sức to lớn vào năm 1327. Đến thế kỷ 15, khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá tượng để đúc súng đạn. Truyền thuyết dân gian nói rằng, giặc mang tới 24 bễ đến định thổi đồng đúc đạn nhưng thổi không được, còn bia chùa thì ghi “tượng trầm trầm tại hạ” (chìm dần xuống đất).
Trải qua bao biến cố và thời gian nhưng hiện nay trước sân chùa vẫn còn lưu lại tấm bia đá cao 2,46m; rộng 1,53m và dày 0,25m có khắc hình rồng thời Lý nên ta biết chùa có từ thời Lý. Đến thời Trần do có vị trí là cửa ngõ nối trung tâm phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với một số ngôi chùa khác trong vùng nên chùa đã được mở rộng và đầu tư xây dựng.
Các vị tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa này và xây dựng Quỳnh Lâm trở thành trung tâm phật giáo của cả nước, từ đó Quỳnh Lâm trở thành một giảng đường quy mô giảng kinh của đạo phật và cũng từ đó Quỳnh Lâm có thêm thiền viện với tên “Viện Quỳnh Lâm”- Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở nước ta.
Chính từ nơi đây đã đào tạo hàng ngàn tăng ni phật tử và in nhiều kinh phật để truyền bá khắp mọi nơi. Từ đó Quỳnh Lâm Viện đã nức tiếng khắp nơi và được triều đình nể trọng, tôn sùng. Giới quý tộc và triều đình cũng đã cúng rất nhiều ruộng đất và của cải để tu tạo chùa, vì thế dân gian mới có câu: “Ngõ chùa Lân, sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh”.
Trải qua năm tháng, cùng với những biến động của thời cuộc, chùa nhiều lần bị xuống cấp hoặc bị phá hủy, thiêu rụi rồi lại được trùng tu, tôn tạo. Từ năm 2016 đến nay, chùa Quỳnh Lâm đang được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn.