10 loại thuốc nhất định phải mang theo khi đi du lịch
Du lịch là một trải nghiệm thú vị đối với bất cứ ai. Đó không đơn giản chỉ là đi ngắm cảnh đẹp, nghỉ dưỡng mà còn là một sự trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ khỏe mạnh trong suốt chuyến đi. Nên dù bạn là dân du lịch nghiệp dư hay những nhà du hành chuyên nghiệp thì lúc nào cũng phải chuẩn bị những thứ thuốc sau đây để hạn chế tối đa những rủi ro trên đường lãng du nhé.
1 – Thuốc chống say tàu, xe:
Thuốc chống nôn phải được chuẩn bị mua trước. Dạng viên uống thường là thuốc kháng histamin ở thụ thể H1, ngoài điều trị dị ứng còn có tác dụng chống nôn (như Dimenhydrinat, Diphenhydramin, Cinnarizin…). Cần uống 30-60 phút trước khi lên tàu xe để thuốc có đủ thời gian tan trong dạ dày, giải phóng hoạt chất và hấp thu vào máu phát huy tác dụng. Hiện nay đã có loại thuốc chống nôn dạng băng dán, dùng dán lên vùng da sau tai (tên biệt dược Scopoderm TTS chứa hoạt chất Scopolamin). Với dạng băng dán, cần dán lên da sau tai từ 6-12 giờ trước khi lên tàu xe. Vì thuốc cho tác dụng toàn thân bằng cách phóng thích hoạt chất xuyên qua da nên phải có đủ thời gian để thấm vào máu của hệ tuần hoàn chung và phát huy tác dụng chống nôn.
2 – Các loại thuốc giảm đau, hạ nhiệt
Khi đi chơi xa, đặc biệt khi trong đoàn có trẻ em. Thuốc thường dùng và tương đối an toàn hiện nay là Paracetamol như Acemol, Efferalgan, Panadol… Chuẩn bị sẵn các dạng thuốc thích hợp cho từng đối tượng, ví dụ gói bột hay viên hàm lượng thấp 80-150 mg cho trẻ nhỏ nặng 5-10 kg, viên 325 mg cho trẻ lớn khoảng 25-30 kg, viên 500 mg cho trẻ trên 30 kg và người lớn… Thuốc được dùng 4-6 lần mỗi ngày cách nhau ít nhất 4 giờ.
3 – Các loại thuốc về tiêu hóa
Một vùng đất mới luôn hấp dẫn du khách bởi cảnh đẹp và những món ăn hấp dẫn. Nhưng dù món ăn có ngon đến đâu thì cũng không có gì đảm bảo được rằng dạ dày của du khách sẽ dễ dàng “tiêu hóa” món ăn đó. Những vấn đề liên quan đến tiêu hóa như chướng bụng, tiêu chảy, táo bón hoàn toàn có thể xảy ra khi bạn nạp vào dạ dày một vài món ăn “không quen dạ”. Vì thế, những viên thuốc đặc trị bệnh đường tiêu hóa là thứ rất cần thiết mang theo khi di du lịch.
Berberin là loai thuốc phổ biến mà du khách nên mang theo khi xảy ra những triệu chứng về đường tiêu hóa. Berberin, điều chế từ cây vàng đắng của y học cổ truyền, có thể tương đối an toàn ở cả nguời lớn và trẻ em. Chuẩn bị thêm một lọ than hoạt (Carbogastryl, Carbophos…) có tác dụng hút hơi, chống đầy bụng, vài gói men vi sinh (L-Bio, Lacteolfort, Biofidine…).
Các loại thuốc cầm tiêu chảy hay chống nôn ói không nên tự ý dùng, nhất là với trẻ em vì tuy làm giảm triệu chứng tiêu chảy nhanh nhưng phân cùng với các độc tố không thoát ra ngoài được, ứ đọng trong lòng ruột có thể gây nguy hiểm. Những người hay bị say tàu xe nên chuẩn bị thêm thuốc chống say như Nautamin hay Stugeron.
4 – Thuốc điều trị dị ứng, mẩn đỏ, ngứa
Dị ứng có nhiều nguyên nhân khác nhau: do thức ăn, do thời tiết, do phấn hoa… nhưng chúng đều gây nên cảm giác ngứa ngáy khó chịu cho người không may mắc phải. Những biểu hiện của dị ứng thường là xuất hiện nhiều vết mẩn đỏ trên da gây ngứa ngáy, khó chịu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy… Hãy mang theo thuốc chống dị ứng khi đi du lịch để phòng tránh những vấn đề khó chịu không mong muốn trên.
Với trẻ em, chuẩn bị sẵn xi-rô Phenergan hoặc các loại kháng dị ứng thông thường như Polaramin, Chlopheniramin nhưng dễ gây buồn ngủ lừ đừ. Người lớn có thể dùng các dạng kháng dị ứng mới như Histalong, Cetirizine… Thường chỉ cần dùng 1 viên mỗi ngày và không gây buồn ngủ.
Lưu ý: Trên thị trường có nhiều loại thuốc dị ứng khác nhau. Du khách nên đến nhà thuốc để được các dược sĩ tư vấn loại thuốc phù hợp với bản thân, tránh dị ứng với các thành phần của thuốc. Cân nhắc kĩ trước khi sử dụng nhé! Trong trường hợp khẩn cấp, cần uống thuốc và đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
5 – Thuốc xoa bóp
Việc di chuyển liên tục với những hoạt động ngoài trời đôi khi sẽ làm cho cho đôi chân của du khách nhức mỏi. Những lọ thuốc xoa bóp sẽ giúp du khách xóa tan đi những cơn đau nhức khó chịu ấy.
6 – Thuốc trị bệnh cá nhân
Nếu du khách bị một căn bệnh nào đó nhưng vẫn có thể thực hiện chuyến du lịch với sự cho phép của bác sĩ thì việc mang theo những loại thuốc đặc trị căn bệnh của du khách là việc không nên bỏ qua. Nó sẽ giúp tránh những trường hợp biến chứng xấu do sức khỏe của du khách gây ra và giúp du khách có một chuyến đi hoàn hảo hơn.
7 – Các loại bông gòn, băng gạc, các dung dịch tẩy trùng như cồn, nước oxy già, cồn iốt
Đề phòng trường hợp té ngã, xây xát và đương nhiên, với những người có bệnh mãn tính cần dùng thuốc thường xuyên như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… thì thuốc là phần không thể thiếu trong chuyến đi du lịch, thậm chí quan trọng hơn cả thức ăn và những đồ đạc khác.
8 – Thuốc chống muỗi và côn trùng
Những vết cắn do côn trùng gây ra không bao giờ là điều dễ chịu cho nạn nhân của chúng. Nếu nhẹ có thể bị đau, sưng, ngứa, nặng hơn có thể gây dị ứng, sốt, hôn mê. Vậy nên trong những chuyến du lịch xa, đặc biệt là leo núi, cắm trại trong rừng, ngoài việc mặc quần áo dài tay, đeo giày kín thì những lọ thuốc trị côn trùng cắn là thứ nên mang theo. Nó sẽ giúp vùng da nơi bị cắn của du khách dịu mát và phần nào bớt đi cơn đau nhức.
9 – Thuốc tra mắt
Khi đi du lịch, du khách sẽ phải tham gia kha khá các hoạt động ngoài trời. Khi đó, không thể tránh khỏi tình trang mắt dễ bị khô. Đặc biệt, trong trường hợp có vật thể lạ rơi vào mắt, thậm chí cả mảnh mascara, cũng khiến mắt bị cộm, gây khó chịu. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng du khách có sẵn một lọ nước muối tra mắt bên mình.
Có một lưu ý nho nhỏ dành cho các bạn nữ – người không thể thiếu mascara, đặc biệt khi đi chơi. Vài mảnh mascara rơi vào mắt cũng làm chúng mình ngứa ngáy, khó chịu lắm, nhất là đang ngồi máy bay, đôi khi ngủ quên bụi bay vào mắt. Khi ấy, lọ thuốc tra mắt bé nhỏ lại thành “người hùng” ấy chứ!
10 – Kem chống nắng
Một lọ kem chống nắng rất cần thiết khi đi du lịch vào mùa hè, đặc biệt là trong những chuyến đi biển. Kem chống nắng sẽ bảo vệ làn da của du khách tránh khỏi tác hại của những tia nắng mặt trời. Hãy chọn những loại kem có chỉ số SPF trên 30 để có được tác dụng bảo vệ da tốt nhất.
Trước khi đi du lịch, nhất là đến những nơi lạ lẫm du khách nên tìm hiểu trước về khí hậu, thời tiết và xem dự báo thời tiết nơi mình sắp đến. Mang những loại thuốc thiết yếu cũng giúp du khách cảm thấy an toàn hơn, nhất là trong những trường hợp khẩn cấp. Đừng quên nhé!
Nguồn: Tổng Hợp Internet