Những Ngôi làng cổ tiêu biểu ở Việt Nam

Mang dấu ấn thời gian hàng trăm năm tuổi với nét kiến trúc cổ xưa , cổng làng rêu phong, mái ngói đỏ nhuốm màu thời gian hay cây đa, giếng nước, mái đình… là nơi thanh tĩnh mà du khách muốn tìm về để quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống.

Trải dài khắp mảnh đất hình chữ S, từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam, là những làng quê nổi bật với vẻ đẹp cổ kính và nên thơ

1. Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội

Nằm bên dòng sông Hồng đỏ ngập phù sa, làng Đường Lâm cổ kính với nhiều mái ngói đỏ rêu phong, những bức tường đá ong độc đáo, cùng giếng nước, sân đình như đưa du khách về một miền quá khứ tươi đẹp của những ngôi làng Bắc Bộ trước đây.

Chỉ cách Hà Nội 50 km, nhưng bạn sẽ ngỡ ngàng trước một không gian xưa cũ, trầm lặng của một làng cổ vẫn còn lưu giữ những sắc màu thời gian. Khi bước qua cánh cổng làng, những tất bật, chộn rộn của cuộc sống như bị đẩy lại phía sau. Làng cổ Đường Lâm được coi là ngôi làng cổ nhất miền Bắc, hiện còn tới khoảng hơn 900 ngôi nhà truyền thống có niên đại từ thế kỷ 16, nằm rải rác tại các thôn, xóm Đông Sàng, Cam Thịnh, Mông Phụ…

Làng có cấu trúc kín với một trục đường chính, từ đó tỏa đi khắp các ngõ ngách trong làng. Bao quanh làng là hệ thống ao, tạo nên phong cảnh lãng mạn, thơ mộng. Vào những ngày nắng nóng, hệ thống ao chính là chiếc điều hòa giúp không khí trong làng trở nên dễ chịu, mát mẻ.

2. Làng Thổ Hà, Bắc Giang

Nằm hữu duyên bên dòng sông Cầu thơ mộng, làng Thổ Hàthuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc và giàu có. Đó là vẻ đẹp cổ kính mang dấu ấn đặc trưng của một làng quê thuần Việt với quần thể kiến trúc, văn hóa, cảnh quan hết sức độc đáo. Trong đó phải kể đến những công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thế kỉ XVI, XVII như đình Thổ Hà, chùa Đoan Minh Tự, Văn chỉ, cổng làng, điếm 4 xóm… Ngôi làng còn lưu giữ được vài chục nóc nhà cổ nằm sâu trong những ngõ nhỏ rêu phong. Các ngôi nhà còn được xây bằng tiểu sành, mảnh gốm tạo thành lối kiến trúc độc đáo và tinh tế hiếm nơi nào có được. Trong nhà được trang trí bởi các sản phẩm do chính những nghệ nhân trong làng tạo ra như chum gốm, bình gốm, lọ hoa,…

Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ, cư dân Thổ Hàkhông có ruộng mà sống chủ yếu bằng nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước năm 1960, làng nổi tiếng về nghề làm gốm. Nhưng về sau, người dân chuyển sang làm bánh đa nem và mì gạo. Nếu ghé qua vùng quê này, không khó để bắt gặp những người dân đang miệt mài làm nghề trong khung cảnh thanh bình.

Nay làng nổi tiếng với nghề làm bánh đa nem, bánh đa dừa thay cho nghề làm gốm đã mai một. Hình ảnh “bánh nem phơi cả lối trông về nhà” đã tạo nên bức tranh miền quê thanh bình, yên ả và nên thơ.

3. Làng cổ Phước Tích, Thừa Thiên Huế

Nằm bên hạ lưu sông Ô Lâu, ranh giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị, cách thành phố sông Hương hơn 40 km, làng cổ Phước Tích như một bảo tàng sống động của văn hóa làng quê Việt được gìn giữ và bảo tồn qua hàng trăm năm.

Ngôi làng là một quần thể nhà rường cổ, với hơn 100 ngôi nhà, trong đó có đến 37 ngôi nhà rường có tuổi trên 100 năm, các đền miếu còn nguyên vẹn. Có 12 ngôi nhà rường thuộc loại đặc biệt quý hiếm, có tuổi thọ 150 – 200 năm với những kèo cột, hoành phi được chạm trổ tinh xảo.

Du khách sẽ như lạc bước vào một không gian yên tĩnh và tràn ngập màu xanh của các khu vườn. Những tia nắng ấm xuyên qua tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tạo nên một khung cảnh thật đơn sơ nhưng rất thanh bình. Từ đường đi, ngõ hẻm đến sân vườn, sân đình, nhà thờ họ ở Phước Tích luôn sạch sẽ, cây cối được chăm sóc cẩn thận. Du khách cũng sẽ được ngắm nhìn đồ gốm cổ với những hoa văn tinh xảo hay trải nghiệm thử làm “thợ gốm” trong làng.

4. Làng cổ Long Tuyền, Cần Thơ

Làng cổ Long Tuyền có sông Bình Thủy chảy qua, uốn lượn như thân rồng nằm là nơi sinh ra nhân vật lịch sử Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, người có công chống giặc ngoại xâm. Đến với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, du khách sẽ nhìn thấy dãy nhà cổ nằm bên chợ Bình Thủy hiện vẫn còn giữ được nguyên vẹn.

Nổi bật nhất là khu nhà cổ của dòng họ Dương xây dựng từ năm 1870, thường được gọi là “nhà cổ Bình Thuỷ” – một trong những mẫu nhà hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn trên một thửa đất rộng với cổng và tường rào kiến cố bao quanh sân. Đây còn là nơi lưu giữ kho đồ cổ quý giá qua nhiều đời con cháu.Dù trải qua thăng trầm của lịch sử, những cuộc chiến tranh, làng cổ Long Tuyền vẫn còn giữ được nét đặc trưng văn hoá miệt vườn sông nước Nam Bộ.

5. Làng cổ Túy Loan, Đà Nẵng

Làng cổ Túy Loan thuộc xã Phong Hòa, huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng chừng hơn 10 km. Đây là ngôi làng cổ trên 500 tuổi, tọa lạc ở vị trí rất thoáng đãng, quay ra mặt sông, nhìn về hướng núi, phong cảnh hữu tình. Du khách sẽ được đắm mình trong không gian đồng quê yên tĩnh, như một bức tranh với dòng sông, bến nước, và những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.

Ngôi đình Túy Loan còn lưu giữ 20 sắc phong thần, sắc, gần nhất từ đời vua Khải Định, tạo nên  nét độc đáo và khác biệt so với các ngôi đình khác của làng quê Việt Nam. Trước sân đình là một bình phong theo kiểu cuốn thư lớn, mặt trước đắp nổi hình long mã, mặt trong đắp nổi hình con lân. Tất cả được lắp ghép bằng nghệ thuật sành sứ, rất độc đáo.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đình Túy Loan tuy không giữ được nguyên trạng nhưng người ta vẫn thấy những nét uy nghi và trầm mặc, là một nơi du khách thích chút gì cổ kính, xưa cũ muốn tìm về khi ghé thăm Đà Nẵng.

6. Làng cổ Phong Nam, Đà Nẵng

Với những nét kiến trúc của làng quê Việt cổ xưa, làng cổ Phong Nam (huyện Hòa Vang) là một điểm đến hấp dẫn du khách khi đến miền Trung nắng gió. Du khách như được tìm về miền quê yên ả với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những hàng tre rợp bóng trên đường làng, những nếp nhà cổ rêu phong xưa cũ.

Làng Phong Nam cho đến ngày nay vẫn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ… Còn gì tuyệt hơn khi ngồi thư thái dưới lũy tre làng, thoang thoảng đâu đó mùi hương lúa nếp hay nghe tiếng sóng vỗ nhè nhẹ nơi bến sông.