- 27/08/2020
- ĐẶC SẢN ĐỊA PHƯƠNG ĐIỂM ĐẾN MỚI
- Tags: Bana, Cơho, Cồng Chiêng, Di sản văn hóa, Đăk Lăk, Đăk Nông, Êđê, Gia Lai, Giarai, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Kiệt tác văn hóa phi vật thể, Kon Tum, Lâm Đồng, Mnông, Rơmăm, Tây Nguyên, UNESCO, Xêđăng
Âm vang tiếng cồng chiêng vùng đại ngàn
Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hoá đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên. Tiếng cồng chiên bên ánh lửa mùa lễ hội đã trở thành một nét văn hóa riêng của vùng đất này.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai… Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.
Bắt rễ từ truyền thống văn hóa Đông Sơn, văn hóa âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên có lịch sử lâu đời, là phương tiện khẳng định cộng đồng và bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên. Cồng chiêng Tây Nguyên vẫn gắn bó vẹn nguyên dáng vẻ dân gian, thô mộc mà chắc khỏe, tinh tế và sâu lắng nơi núi rừng đại ngàn, cùng với tiếng thác nước ào ạt chảy đêm, tạo nên một không gian văn hóa đậm chất Tây Nguyên
Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20cm đến 60cm, loại cực đại từ 90cm đến 120cm.
Các dàn cồng chiêng thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hòa tấu. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, một bộ có từ 2 đến 12-13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18-20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất. Tên gọi của cồng chiêng có khi được đặt dựa theo âm thanh nhạc khí phát ra, có khi là tên gọi theo vị trí của nó trong dàn nhạc.
Trong những dàn có từ 9 cồng chiêng trở lên thì có thêm cồng “cha” bên cạnh cồng “mẹ”, tiếp theo là các cồng “con”, cồng “cháu”… hình thành hệ thống gia đình, cồng “mẹ” luôn luôn đứng trước cồng “cha”, phù hợp với chế độ mẫu hệ của người Tây Nguyên. Khi biểu diễn, cồng “mẹ” và cồng “cha” đánh ra âm thanh trầm gần giống nhau để làm nền cho cả dàn nhạc. Kế tiếp là 3 cồng “con” cùng đánh một lượt với nhau thành một hòa âm, có tác dụng như những cây cột chống đỡ trong ngôi nhà. Những chiếc còn lại thì đánh so le theo thứ tự trước, sau, mau, chậm theo đúng quy định, phối hợp với nhau thành ra nét nhạc.
Cồng chiêng Tây Nguyên là loại nhạc cụ độc đáo, đặc sắc và đa dạng. Các dàn cồng chiêng Tây Nguyên lấy thang bồi âm tự nhiên làm cơ sở để thiết lập thang âm của riêng mình. Trong đó, mỗi biên chế của từng tộc người đều cấu tạo bởi thang 3 âm, 5 âm hay 6 âm cơ bản. Song, cồng chiêng vốn là nhạc cụ đa âm, bên cạnh âm cơ bản bao giờ cũng vang kèm một vài âm phụ khác. Thành thử trên thực tế, một dàn 6 chiêng sẽ cho ta tối thiểu 12 âm hay nhiều hơn nữa. Điều đó lý giải tại sao âm sắc cồng chiêng nghe thật đầy đặn và có chiều sâu.
Về nguồn gốc, theo một số nhà nghiên cứu, cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá. Trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã tìm đến loại khí cụ đá: cồng đá, chiêng đá… tre, rồi tới thời đại đồ đồng, mới có chiêng đồng… Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng – là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên… Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu.. . hay trong một buổi nghe khan… đều phải có tiếng cồng chiêng như là thứ để nối kết những con người trong cùng một cộng đồng.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có.. Hầu như mỗi sinh hoạt nơi Tây Nguyên đều gắn với nét nhạc. Lúc đứa trẻ mới lọt lòng thì già làng sử dụng cái cồng xưa cổ nhất đến bên giường để đánh lên những âm thanh đầu tiên lọt vào tai đứa bé, khẳng định nó là một phần của cộng đồng. Khi đứa trẻ lớn lên, mỗi giai đoạn của đời sống, từ việc đồng áng cho đến những buổi gặp gỡ nam nữ, khi đón khách, lên nhà mới hay tang lễ… đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng.
Tiếng cồng chiêng hòa nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội… của người nơi đây. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo, đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.
Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là sự liên kết của con người và thần linh. Là nơi chứa đựng và truyền tải những tâm tình, mong muốn của người dân với thần linh của họ.
Ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Về Tây Nguyên mùa lễ hội, ngồi bên ché rượu Cần, ngắm nhìn những vũ điệu hào hứng của cả buôn làng, tiếng cồng chiêng cứ âm vang bên ánh lửa bập bùng. Người dân buôn làng ca hát say sưa, những đôi mắt vui tươi, sáng rực như ánh sao trời của vùng đại ngàn mênh mông làm say lòng bất cứ ai đã đến vùng đất này. Để rồi dù đã rời đi, nhưng cứ phảng phất bên tai tiếng Cồng Chiêng Tây Nguyên hào hùng.