Bánh Chim Gâu, đậm đà bản sắc ẩm thực Cao Lan

Đối với người Việt Nam nói chung và người Cao Lan nói riêng, ẩm thực không những là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa truyền thống về tinh thần. Từ cách bày trí và hương vị của các món ăn ta có thể cảm nhận được con người và phong tục trong cách ăn uống.

Là một trong tổng số 54 dân tộc anh em trên cùng một dải đất hình chữ S, người Cao Lan sinh sống chủ ở vùng núi phía Bắc, trong đó tại Xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.850 nhân khẩu là người dân tộc Cao Lan, chiếm 20% dân số. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cho tới ngày nay người Cao Lan vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán, những lễ hội đặc sắc, đặc biệt là các món ăn đặc trưng mang bản sắc của dân tộc mình.

Văn hóa ẩm thực của người Cao Lan khá đa dạng, mỗi món ăn đều có ý nghĩa riêng gắn với các truyền thuyết hay các nghi thức trong các dịp lễ, Tết. Bánh Chim Gâu (bánh hình con chim cu gáy) là một điển hình cho một truyền thuyết nổi tiếng của người Cao Lan về nàng Slau Slam (nàng Lưu Tam).

Theo người dân địa phương thì bánh Chim Gâu ra đời dựa trên một câu chuyện về nàng Lưu Tam. Một người con gái vừa đẹp người đẹp nết lại giỏi ca hát, khiến trai tráng trong bản si mê không chịu làm việc, nên dân làng sinh lòng ghen ghét. Do đó anh trai cô mới ép gả cô đi và cấm cô không được nói gì khi về nhà chồng.

Sau khi được gả về nhà chồng, nàng Lưu Tam đã nghe lời anh trai không nói nửa lời, khiến cho nhà chồng ghét bỏ và sai người đưa trả cô về. Trên đường về cô nhìn thấy một con chim gâu chết ở rìa đường với cái diều căng cứng đầy thóc, gạo. Nàng tiến tới nhặt con chim lên và nói “con chim này cũng chết vì ăn”, cùng lúc đó nàng lại nghe tiếng kêu yếu ớt của những con chim non ở bụi dứa rừng cạnh đó, đến lúc này nàng mới ngộ ra rằng con chim kia chết vì ăn nhiều thức ăn để tha về tổ nuôi chim non. Cảm động trước tình mẫu tử thiêng liêng của chim mẹ với chim con, nàng đã lấy thức ăn trong diều của chim mẹ mớm cho chim non ăn, sau đó cắt lá dứa rừng đan làm giỏ và đưa chúng về nhà nuôi.

Từ đó, người Cao Lan làm ra những chiếc bánh Chim Gâu với hình dáng nhỏ xinh như cái diều của chim mẹ, để thể hiện tình yêu thương, để nhắc nhở nhau về sự quan tâm chăm sóc của những người trong gia đình là rất quan trọng. Tuy là món ăn dân dã nhưng ẩn chứa bên trong nó một tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả của người mẹ đối với con, của những người thân trong gia đình đối với nhau. 

Tỉ mẩn gói bánh bằng lá dứa rừng
Để làm được những chiếc bánh Chim Gâu thì người Cao Lan phải lên rừng để tìm những chiếc lá dứa rừng. Bởi gói bánh bằng lá dứa rừng sẽ vừa tạo vị thơm ngon cho bánh, vừa chữa được bệnh nên đây là loại lá rừng quen thuộc mà người Cao Lan yêu thích.

 Để làm được chiếc bánh độc đáo, gạo nếp là nguyên liệu chính không thể thiếu trong bánh chim gâu. Ngoài ra, món bánh còn có thể thêm nhiều nguyên liệu như đỗ xanh, các loại lá cây, nước tro, thịt lợn để tạo thêm hương vị độc đáo, đa dạng và ngon hơn. Khi gói, người ta sẽ đan các chiếc lá lại với nhau để bao bọc lấy nhân, sau đó thả bánh vào nồi rồi luộc lên.

Cầu kỳ hơn, người làm bánh có thể trộn thêm một chút đỗ xanh, hay nhuộm gạo các màu bằng các loại lá cây hoặc ngâm gạo bằng nước tro nẳng để tạo thêm hương vị khác nhau.

Bánh chim gâu là đặc sản của người dân tộc Dao và Cao Lan ở huyện Yên Bình. Người dân ở đây thường mang thứ bánh này khi đi làm nương rẫy để dùng tạm bữa trưa hay làm đồ ăn cho trẻ em đến trường.

Đây là món ăn phổ biến và được yêu thích của đồng bào dân tộc địa phương. Đặc biệt bánh chim gâu được tặng như một thứ đặc sản để chia xẻ tình cảm với nhau, là món quà quý người mẹ dành cho mà trẻ em rất thích.

Bánh chim gâu giờ không còn là món ăn trong gia đình vào những ngày rằm, ngày tết, mà đã vượt ra khỏi ranh giới ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào đến với các lễ hội. Và có thể nhờ thứ lá vỏ bánh và vị thuốc chữa một số bệnh mà bánh chim gâu trở thành đặc sản được các thực khách yêu thích khi dừng chân tại Yên Bái.