Chùa Hương, linh thiêng đất Phật Hương Sơn

Về thăm Hương sơn, cảm giác trong tôi như lại nghe văng vẳng đâu đây những câu thơ của nhà Thơ Chu Mạnh Trinh…
Bầu trời cảnh Bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bây lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động, hỏi rằng đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai, chim cúng trái
Lững lờ khe yến, cá nghe kinh

Phải chăng đây là đất Phật, non Tiên, bởi ngay cả cảnh non nước chim thú cũng mang sắc thái yên bình, thiền định.

Hương Sơn thuộc huyện Mĩ Đức, tỉnh Hà Tây, ven bờ phải Sông Đáy là một vùng sơn thuỷ hữu tình có động Hương Tích được coi là “Nam thiên đệ nhất động”. Hội chùa Hương là một lề hội lớn nhất ở miền Bắc nước ta, kéo dài từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch hàng năm, có ngày đông tới hàng vạn người, phong cảnh ở Hương Sơn từ lâu đã đi vào thơ ca nhạc họa bởi sự thanh bình trầm mặc, từ cảnh thiên nhiên đến sự thiền định của con người nơi vùng đất thiêng này.

Gọi là chùa Hương hay Hương Sơn nhưng thực chất đây là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Những ai dù chỉ một lần hành hương thăm thắng cảnh Hương Sơn, chắc chắn cũng giữ được nhiều kỷ niệm về bức tranh sơn thủy hữu tình rất đẹp, rất thơ do thiên nhiên và con người tạo dựng.

Chùa Ngoài: hay còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù, được xây dựng từ đời Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), tọa lạc trên núi Lão. Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác  trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà  Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.

Chùa Hương: trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong Động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Chùa không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên. Ở lối xuống hang có cổng lớn, trán cổng ghi 4 chữ Hương Tích động môn. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán 南天第一峝 (Nam thiên đệ nhất động) khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1739-1782). Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.

Động Hương Tích: động đuợc coi là trung tâm của khu thắng cảnh chùa Hương, và là đích dừng chân của mọi du khách khi về đây. Nếu bạn đến chùa Hương mà không đặt chân vào động Hương Tích thì coi như chưa đến chùa Hương.

Đền Trấn Song (còn được biết đến với cái tên đền Cửa Võng): xưa là một ngôi miếu nhỏ do dân làng Yến Vỹ xây dựng lên từ thủa xa xưa để thờ bà “Chúa Rừng“ có tên hiệu là “Thượng Ngàn Vân Hương Công Chúa Lê Mại Thánh Mẫu”. Đền ở trên thế núi cao, dưới chân núi là một thung lũng khá sâu, nhìn qua thung lũng là một võng núi .

Chùa Giải Oan có giếng nước trong vắt là giếng Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan. Người đi chùa tin rằng ai có oan khuất không thể giải thích, chia sẻ cùng ai thì lên chùa Giải Oan để trải lòng sẽ thấy thanh thản.

Động Hinh Bồng: Nếu như bạn cảm thấy ngột ngạt và choáng ngợp ở động chính (động Hương Tích) thì khi tới Hinh Bồng bạn sẽ có cảm giác thoáng đãng, thư thái hơn
Nếu đi trong ngày bạn nên thăm Chùa Thiên Trù và Động Hương Tích. Đây là 2 điểm nổi bật ở Chùa Hương. Bạn có thể chọn đi bộ hoặc đi cáp treo lên đỉnh Hương Tích. Hương Tích là một động nằm trong lòng Núi. Bên trong có bầy biện các tượng Phật, thiết kế và trang trí như trong Chùa.

Lễ Hội Chùa Hương: Trong tâm thức người Việt, Hương sơn là cõi Phật, đầu năm ai cũng mong muốn đến Chùa Hương để tham dự lễ hội và cầu mong những điều tốt lành, bình an cho gia đình.

Vào mùa hội chùa Hương, ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay, trong chùa hương khói từ khách thập phương về tạ lễ lúc nào cũng nghi ngút.

Chùa ngoài thì có các nghi thức lễ thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ tuý Hồng” của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng các thần.

Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn … Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãn cảnh lạc vào non tiên cõi Phật.

Thời gian tham quan Hương Sơn: Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch là thời gian diễn ra lễ hội chùa Hương, đỉnh cao là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch, đây là khoảng thời rất lý tưởng để bạn tận hưởng không khí nô nức trẩy hội chùa Hương. Hoặc vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 là thời điểm khá lý tưởng để ghé chân chùa Hương mùa không hội khi hoa súng nở rực rỡ trên dòng suối Yến cùng những cánh đồng lau bất tận sẽ là không gian thơ mộng và thích hợp cho bạn vãn cảnh và chụp hình.

Hiện nay, thời gian đi từ trung tâm Hà Nội đến chùa Hương chỉ vào khoảng 1h30’. Đến chùa Hương, du khách sẽ phải đi đò trong thung lũng Suối Yến, đi bộ hoặc cáp treo. Khi đến với chùa Hương, khách thập Phương có thể leo núi để tự do ngắm cảnh còn nếu sức khỏe không cho phép thì nơi đây đã có hệ thống cáp treo an toàn và thuận tiện cho bạn di chuyển.

Giờ đây Chùa Hương không chỉ còn là giá trị một vùng miền , mà là di tích quốc gia cũng là giá trị văn hóa tâm linh của một dân tộc là sự đúc kết và phát triển văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt từ xa xưa cho tới ngày nay là nới mà bất cứ Phật Tử nào cũng muốn một lần ghé thăm.