Về thăm xứ thiền – Trúc Lâm Yên Tử

Yên Tử là một quần thể gồm nhiều ngôi chùa khác nhau. Hàng trăm năm qua, nơi rừng thiếng Yên Tử , từng mái chùa, phiến đá tĩnh tại kể chuyện về một vị Vua hóa Phật… bầu không khí an lành tĩnh tại nới đây đã làm an yên biết bao tâm hồn của những con người muốn tìm về đất Phật.

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi để tu hành. Vào năm 1293 ngài đã cho sửa sang lại tổng thể chùa Lân thêm trang trọng và uy nghiêm. Đây là nơi ra đời Thiền phái Trúc Lâm do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa Ông đã sáng tạo và xây dựng dòng Thiền nhập thế, mang đậm chất văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của người Việt. Thiền phái Trúc Lâm thực sự lấy con người làm gốc, tôn trọng và đề cao giá trị của con người. Thiền phái Trúc Lâm đã trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của một giai đoạn hoàng kim thời Trần ở Việt Nam.

Thời gian và chiến tranh đã gây nên nhiều tổn thất cho các kiến trúc nằm trong khuôn viên Trúc Lâm Yên Tử, chỉ còn lại mộ tháp của các thiền sư. Tuy nhiên phải đến năm 2002 chùa Lân đã được tôn tạo và  xây dựng lại. Những viên đá, viên ngói, khối gỗ đầu tiên được bàn tay của những nghệ nhân kiến trúc cổ đặt trên nền đất diện tích gần 180.000 m2 đánh dấu một sự khôi phục quy mô lớn Trúc Lâm Yên Tử.

Với vị trí nằm trên độ cao khoảng 1068 m so với mực nước biển. Để lên tới đỉnh chùa bạn phải vượt qua hơn 6000 bậc đá, băng qua cánh rừng trúc, rừng thông cao ngút ngàn ( hiện nay đã có hệ thống cáp treo để thuận lợi cho khách thập phương vãn cảnh Chùa ).

Với kiến trúc độc đáo kết hợp truyền thống,  các ngôi chùa ở Yên Tử được xem là chuẩn mực của kiến trúc phật giáo được dựng lại y nguyên theo mô phỏng ban đầu. Cổng Tam quan hai tầng tám mái cân xứng đứng uy nghi phía trên cao, bước lên các bậc đá qua cổng tam quan bán sẽ tiến vào sân chính, sân lát gạch đỏ. Mái chùa được lợp ngói vẩy uốn cong hình đầu đao hướng thẳng lên trời.

Toàn bộ hệ thống cột cái, cột quân ở các chùa Yên Tử đều làm bằng gỗ lim quý, bên ngoài hàng cột hiên được dựng từ những cột đá chắc chắn.

Chùa Lân hay còn gọi Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử,tên chữ là Long Động Tự là một ngôi chùa trên núi Yên Tử, thuộc địa phận thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, nằm trong Quần thể di tích danh thắng Yên Tử.  Chùa toạ lạc trên một quả núi giống hình con Kỳ Lân nằm phủ phục, nên chùa được đặt tên theo dáng núi là chùa Lân.

Chùa Lân là ngôi chùa có vị trí ở cửa ngõ vào khu trung tâm chùa tháp ở Yên Tử và là ngôi chùa Trình thời Lý- Trần – Lê. Hệ thống kiến trúc Chùa Lân ngày nay do Hoà Thượng Thích Thanh Từ cùng phật tử thập phương công đức xây dựng với quy mô rộng lớn, khang trang. Chính Điện được khởi công xây dựng vào năm 2002 trên nền ngôi chùa cũ thời Trần. Hiện nay phía cửa bước vào Chính Điện còn trưng bày dấu tích nền móng chùa thời Trần.

Quanh gian chính điện được bao quanh bởi các cửa bức bàn bằng gỗ, phía trước có cửa ô chắn song con tiện giúp thoáng khí và lấy ánh sáng tự nhiên. Mỗi gian chùa được thiết kế vô cùng tinh tế, không gian luôn thoáng mát, mùa hè gió thông mát, mùa đông nhiệt độ ấm cúng bên trong.

Bên trong chùa trang trí sơn son thiếp vàng lộng lẫy, các bức khảm, án thờ, cửa cánh võng được chạm khắc trang trí hoa giành sinh động. Cùng với đó là các tượng phật ở ngai Tam bảo, tượng La hán ở La hán đường, tượng phật Thích ca ngự chính điện, những nơi đó thường được bày biện trang trí các đồ thờ trông rất nguy nga hoành tráng.

Đền Trình
Đền Trình toạ lạc tại phía bên phải, ngay ở khu Dốc Đỏ, cách đường quốc lộ 18 chưa đầy 100 m. Đền Trình là dừng chân nơi cửa ngõ Yên Tử, vì thế dân gian thường có câu “đi trình, về tạ”. Đền nằm cạnh một dòng suối nhỏ, nước chảy róc rách qua những khe đá. Theo truyền thuyết, năm 1299, vua Trần Nhân Tông hành hương đến núi Yên Tử tu hành , đây cũng chính là nơi vua Trần Nhân Tông đã đặt chân lên mảnh đất Bí Thượng. Vua Trần cho lập một ngôi đình trạm làm nơi dừng chân giữa độ đường của các Phật tử và thiện nam tín nữ thập phương trước khi hành hương vào Yên Tử.

Chùa Đồng
Tọa lạc trên độ cao 1.068m, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Ngày nay chùa đã được trùng tu và tôn tạo nhiều. Chùa đã được đúc bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6m, chiều rộng 3,6m, cao 3,35m và nặng hơn 70 tấn. Nơi đây như một đài sen thờ đức phật Thích Ca Mâu Ni và ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm. Đây chỉ là một am nhỏ bằng đồng hình giống ngôi chùa, một người vào không vừa làm chỗ để phật tử thập phương thắp hương khi lên đến chốn bồng lai này.

Chùa Hoa Yên
Chùa Hoa Yên và các chùa xung quanh tạo nên quần thể kiến trúc chính của khu Yên Tử. Chùa có quy mô lớn nhất và đẹp nhất cho nên còn có tên là chùa Cả, được xây dựng trên dải đất hình cánh sen bao quanh sườn núi gồm hai phần: Tiền sảnh và hậu cung, rộng khoảng 150 mét vuông thờ hàng chục pho tượng lớn toàn bằng đồng, lớn nhất là tượng vua Trần Nhân Tông đặt ở chính giữa hậu cung, ngồi xếp bằng trên đài sen, vẻ mặt không gợn chút trần tục.

Suối Giải Oan: Nơi đây có cây cầu dài 10m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ cổ kính. Đây là nơi vua Trần Nhân Tông cho xây dựng để giải oan cho những cung tần, mỹ nữ đã vì mình mà chết. Vì quá yêu vua, muốn lên núi cầu xin vua trở lại triều đình không được, các bà đằm mình xuống suối tự vẫn.

Trước sân chùa sum suê từng khóm loa kèn màu hoàng yến chen lẫn màu trắng mịn, xung quanh chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.

Tháp Huệ Quang, nơi đây cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông, phần còn lại được thờ ở khu đền Trần ở Nam Định.

Chùa Giải Oan, còn gọi là chùa Hạ, một trong ba ngôi chùa chính trên núi Yên Tử (chùa Trung là chùa Hoa Yên; chùa Thượng là chùa Đồng). Chùa Giải Oan là ngôi chùa đầu tiên trong hành trình chinh phục Yên Tử, có cấu trúc hình chữ “đinh”, bao gồm 5 gian và hậu cung.

Chùa Một Mái: Ngôi chùa này có kiến trúc gồm ba gian, tương ứng với ba bàn thờ, gồm bàn thờ Tổ, bàn thờ Tam Bảo, bàn thờ hậu phía trong cùng thấp hơn hai ban ngoài. Ở đây lưu giữ huyền thoại về ” dòng sữa” và ” đụn gạo” và là nơi thờ Phật Quán Thế Âm, ở đây có khe nước uống rất mát.

Không gian thanh tĩnh, phảng phất hương nhang thơm nới đất Phật khiến mọi người đều tĩnh tâm một lòng hướng đến cõi phật để cho con người có cảm giác an yên, thư thái, bỏ lại hết mọi sự ồn ào, náo nhiệt mà thấy được sự bình tâm.