Cù Lao Dung, viên ngọc giữa dòng sông Hậu

Chỉ cách TP Cần Thơ khoảng 47km theo tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, cách tỉnh Trà Vinh qua một nhánh sông, mất khoảng 10-15 phút đi phà, Cù Lao Dung là huyện cực Đông của tỉnh Sóc Trăng, nằm cuối nguồn dòng sông Hậu, với hai cửa Định An và Trần Đề đổ ra biển Đông. Đi xe từ trung tâm TP Sóc Trăng khoảng 20km theo đường quốc lộ 60. Từ đất liền nhìn ra xa, Cù Lao Dung hiện ra như một tấm thảm xanh trải dài đến tận cửa biển.

Cù Lao Dung là một trong những vùng đất có rất nhiều tên gọi như Huỳnh Dung Châu, Hổ Châu, Kắc Tung, Cù Lao Vuông, Cù Lao Chằng Bè,… Nơi đây, Nguyễn Ánh cùng tùy tùng từng nương náu dọc theo những con rạch nhỏ, ngoằn ngoèo, len lỏi vào sâu trong cù lao, vì thế địa danh rạch Long Ẩn đã hình thành từ đây.

Du lịch Cù Lao Dung là điểm đến với những vườn cây ăn trái trĩu quả bốn mùa, những rẫy mía bạt ngàn, những vuông tôm thẳng tắp, những rặng rừng bần trên dải cù lao rộng hơn 23.000ha.

Nơi đây có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm được bao bọc bởi bốn bề sông nước. Không khí luôn trong lành với những cơn gió mát mang hơi nước từ sông Hậu. Đây thật sự là vùng đất thanh bình yên ả, là địa điểm du lịch phù hợp với những người yêu thích thiên nhiên, thích khám phá cuộc sống bản địa.

Từ đầu cù lao, du khách sẽ ngỡ ngàng và bị cuốn hút bởi những vườn cây ăn trái oằn sai ở xã An Thạnh Nhứt và An Thạnh Tây. Cây trái nơi đây có rất nhiều chủng loại với hương vị đặc trưng, ngọt ngào, nồng đượm khó quên như: xoài, nhãn, bưởi, cam, quýt, mãng cầu, sapô (hồng xiêm), măng cụt, dâu, mận, ổi, dừa, chuối… Xuôi về phía cuối dãy cù lao, du khách sẽ thích thú khi ngắm nhìn những cánh đồng mía thênh thang xen lẫn hàng dừa cao hay những rẫy hoa màu xanh tươi. Cù Lao Dung vì vậy còn được mệnh danh “Cù lao mía”.

Nằm ở vị trí cuối cùng của huyện Cù Lao Dung là xã An Thạnh Nam, nơi đây có khu rừng bần ngập nước rộng khoảng 1.500ha, là một trong những khu rừng bần ngập nước rộng nhất khu vực ĐBSCL, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, cùng nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm. Vì là rừng nguyên sinh, nên nơi đây còn giữ vẻ hoang sơ, du khách thích thú khi bắt gặp vài chú khỉ treo mình trên ngọn bần chót vót, hay thoăn thoắt từ cành này sang cành nọ.

Đặc biệt, ở khu rừng này có nhiều đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng ngàn con, cộng với rất nhiều đàn ong làm tổ đầy trong rừng. Ở đây còn hiện tượng thú vị là “ba khía hội” vẫn tồn tại. Đó là vào ban đêm có rất nhiều con ba khía từ các nơi tập trung về bu kín rễ, thân của những cây bần, thường ở một đoạn ven sông. Người dân chỉ lấy tay hốt ba khía bỏ vào bao và đem về chứ không phải bắt từ con.

Người dân Cù Lao Dung hiền hòa, chất phác, thật thà và hiếu khách. Đến nhà nào, bạn cũng sẽ được mời những đặc sản có trong vườn nhà như một trái dừa mát ngọt, một rổ cam hay một chùm nhãn… Rồi ngồi nghe những lão nông tri điền kể chuyện ngày xưa khẩn hoang, be bờ, mở đất; nghe kể chuyện các địa điểm gắn với truyền thuyết về những dấu tích trên đường bôn tẩu của vua Gia Long như rạch Long Ẩn (nơi vua trú ẩn), rạch Trường Tiền (nơi vua chọn làm nơi đúc tiền); hay đắm mình vào những lời ca vọng cổ chơn chất của người dân miền quê…

 Sở hữu vẻ đẹp nên thơ, sông nước hữu tình với những nét đặc trưng riêng, đây thật sự là một vùng quê thanh bình yên ả là địa điểm rất phù hợp với những người thích thiên nhiên và thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi. Cù Lao Dung trong tương lai không xa sẽ là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch ĐBSCL.

Đền thờ Bác Hồ trên cù lao