- 01/07/2020
- ĐẶC SẢN ĐỊA PHƯƠNG
- Tags: bánh phồng tôm Sa Giang, đặc sản, hủ tíu Sa Đéc, món ngon Đồng Tháp, nem Lai Vung, Sen
Đặc sản xứ sen hồng – Đồng Tháp
Nhắc tới Đồng Tháp chắc hẳn chúng ta ai cũng nghĩ ngay tới những cánh đồng sen nở hồng rực rỡ bạt ngàn, thế nhưng có dịp ghé thăm mảnh đất này thì bạn cũng đừng quên thưởng thức các món ăn ở nơi đây nhé.
1. Nem Lai Vung
Từ lâu loại nem chua chua, ngọt ngọt này đã vang danh khắp trong Nam lẫn ngoài Bắc. Nem Lai Vung có hương vị thơm ngon, độc đáo. Nguyên liệu để làm nem gồm có thịt heo nạc xay nhuyễn, da heo (bì) xắt nhỏ trộn với thính (gạo rang), tỏi thái mỏng, hạt tiêu để nguyên hạt…
Người ta trộn tất cả các nguyên liệu lại với nhau, nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi gói lại bằng lá chùm ruột hoặc lá vông non. Sau đó, gói lại thêm một lớp bằng lá chuối, buộc bằng dây lạt hoặc dây nylon. Nem sau khi gói lại để vài ngày cho lên men là có thể dùng được.
2. Hủ tíu Sa Đéc
Hủ tiếu là món ăn quen thuộc của người dân Nam Bộ. Dù có nhiều nơi làm món này nhưng hủ tiếu Sa Đéc vẫn mang hương vị riêng. Hủ tiếu Sa Đéc độc đáo ở nguyên liệu làm bánh và nước dùng. Sợi bánh được làm từ bột gạo Sa Đéc, loại bột nổi tiếng hơn 100 năm nay và được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Nước dùng với hủ tiếu được nấu bằng xương heo (xương ống) và một số gia vị “bí truyền”, tạo ra hương vị thơm, ngọt đậm đà.
Tô hủ tiếu Sa Đéc dọn ra hấp dẫn thực khách với nước dùng trong, sợi bánh trắng mịn, ngọt mà không bở; điểm vài miếng thịt, tim, gan, lòng heo, tôm cùng với giá, hẹ, xà lách, hành, chanh, ớt… Hủ tiếu được bày bán nhiều nơi tại thành phố Sa Đéc, giá bán khoảng 20.000 đồng – 30.000 đồng/tô.
3. Bánh phồng tôm Sa Giang
Bánh phồng tôm mang thương hiệu Sa Giang đã được xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới, được người tiêu dùng khá ưa chuộng.
Bánh được chế biến từ bột khoai mì tinh chế kết hợp với tôm xay nhuyễn, một ít hạt tiêu đập dập và một số gia vị: muối, đường, bột ngọt. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải hình ống và đưa vào nồi hấp. Sau khi hấp chín, những cây bột này sẽ được cắt thành từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô, đóng gói cẩn thận và cung cấp ra thị trường.
Bánh phồng tôm Sa Giang có nhiều loại để quý khách lựa chọn như bánh phồng mực, bánh phồng cua, bánh phồng cá basa… Khi ăn, lấy bánh chiên với dầu thật nóng để phồng to ra, giòn tan. Bánh phồng tôm ăn không cũng ngon nhưng ăn cùng với các món gỏi mới đúng vị.
4. Sen Đồng Tháp
Không phải ngẫu nhiên mà dân ta có câu “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Câu nói này xuất phát từ thực tế rằng Đồng Tháp là tỉnh trồng nhiều sen nhất Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đồng sen nơi đây cực lớn và là địa điểm mà nhiều bạn trẻ ghé sống ảo nhất mỗi độ sen nở. Ngoài mang đến vẻ đẹp cho quê hương Việt Nam, sen hồng còn là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn đặc sản Đồng Tháp. Nổi tiếng nhất là món gỏi ngó sen, súp hạt sen, cháo bắp bò, cơm hấp lá sen, chè hạt sen, mứt hạt sen, cá lóc nướng trui cuốn lá sen,… Khi du lịch vùng này, bạn có thể chọn mua hạt sen tươi về để dành ăn dần hoặc làm quà tặng. Hạt sen của miệt Tháp Mười đặc biệt to tròn, mập mạp và khi ăn có vị ngọt bùi cùng hương thơm thoang thoảng rất dễ chịu.
Ngoài hạt sen tươi, ở huyện này còn bán rất nhiều món ngon liên quan tới sen như trà tim sen túi lọc, gương sen tươi, sữa hạt sen, củ sen tươi, ngó sen tươi,…