Đi An Giang ăn hết các món đặc sản (phần 2)

Tiếp tục chương trình của phần 1 chúng ta sẽ cùng nhau khám phá các đặc sản của vùng đất An Giang nhé.

1. Mắm Châu Đốc

Châu Đốc (An Giang) được mệnh danh là “vương quốc mắm” nhờ nằm ngay ngã ba sông Hậu, một trong hai nhánh của sông Mê Kông nổi tiếng với trữ lượng cá trong tự nhiên vô cùng phong phú. Đến Châu Đốc, bạn sẽ bắt gặp các loại hấp dẫn như mắm cá linh, cá lóc, cá trèn, ba khía, cá sặc… hay nổi tiếng nhất là mắm Thái được bày bán khắp nơi.

Mắm Châu Đốc có vị hơi ngọt đặt trưng của Nam bộ nhưng bên trong lại mặn, rất thích hợp ăn cùng cơm trắng, đặc biệt vào những ngày mưa. Giá các loại mắm dao động từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng mỗi kg.

Nhiều thương hiệu mắm nổi tiếng ở Châu Đốc làm theo công thức gia truyền riêng nên vị cũng khác nhau. Bạn hãy nhờ người bán tư vấn để chọn loại mắm ngon nhất về làm quà. Du khách có thể mua ở chợ Châu Đốc hoặc khu vực ngay chân núi Sam.

2. Thốt nốt tươi

Nhắc đến An Giang, không thể quên những món ăn làm từ thốt nốt. Trong đó, thốt nốt tươi rất mềm, vị hơi giống dừa nhưng ăn mát hơn. Bạn cân nhắc mua loại ngâm sẵn trong hũ về làm quà. Chúng có thể để tới một năm, tuy nhiên tuyệt vời nhất vẫn là thốt nốt tươi.

Lưu ý quan trọng là thốt nốt tươi chỉ để được khoảng 2 – 3 ngày trong tủ lạnh, nước có bán sẵn ngoài chợ nhưng nên bảo quản trong vòng 24 giờ, khi mua về cần sử dụng liền. Ngoài ra, đường thốt nốt dùng để kho cá, pha nước chanh uống rất ngon và mát.

3. Bánh bò thốt nốt

Bánh bò được làm từ đường của cây thốt nốt nên có vị ngọt không gắt và có màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh bò thốt nốt có 2 loại là bánh bò khô và bánh bò ăn kèm với nước dừa. Ở Châu Đốc và Tân Châu là hai nơi bán nhiều bánh bò thốt nốt. Đặc biệt bánh bò thốt nốt có chan nước dừa beo béo rất nổi tiếng ở Tân Châu, được ship đi nhiều tỉnh thành trong đó có TPHCM. Giá của mỗi chiếc bánh bò thốt nốt nhỏ là 5.000 VND, bánh bò thốt nốt nước dừa Tân Châu 10.000 – 35.000 VND/cái tùy kích thước.

4. Xôi xiêm

Xôi xiêm Châu Đốc có nguồn gốc từ Thái Lan và du nhập vào từ những năm 70 từ một người Thái gốc Việt. Nguyên liệu làm xôi xiêm gồm có: gạo nếp Thái nấu chung với lá dứa. Bột mỳ, trứng vịt, đường thốt nốt được dùng làm nước sốt.

Khi ăn, xôi xiêm Châu Đốc rưới thêm nước sốt và nước cốt dừa. Xôi xiêm Châu Đốc dẻo, mềm, bạn có thể cảm nhận được vị ngọt nhẹ, béo ngậy nhưng không béo và thơm của nước cốt dừa.

5. Gà đốt lá chúc – Tri Tôn

Gà đốt là món ăn truyền thống của người Khmer ở An Giang. Mới nghe qua, món ăn có vẻ đơn giản nhưng lại có cách chế biến kỳ công. Gà được chọn phải là những con thả vườn, thịt tại chỗ để đảm bảo độ tươi. Sau sơ chế, đầu bếp sẽ ướp với sả, ớt, lá chúc (cùng họ chanh), tỏi, đường, muối với lượng vừa đủ. Trong lúc đợi gà thấm gia vị, người dân sẽ chuẩn bị bếp đốt, nồi đất đã được xếp một lớp muối cùng sả và lá chúc dưới đáy.

Món ăn có thành công hay không phụ thuộc cả vào quá trình nướng. Đầu bếp phải khéo léo canh lửa, lúc đầu cho lửa to rồi từ từ nhỏ dần để đảm bảo gà chín đều. Khi mùi thơm nức của gà toả ra theo khói cũng là lúc gà chín tới.