- 06/08/2020
- ĐIỂM ĐẾN MỚI
- Tags: Cần Thơ, Đình Bình Thủy, Đình Chùa Nam Bộ, Kiến trúc đẹp, Lễ Hội Kỳ Yên, Lễ Thượng Điền, miền tây, Miệt Vườn
Đình Bình Thủy, ngôi đình cổ xưa bậc nhất đất Nam Bộ
Đình Bình Thủy Cần Thơ có lịch sử hơn 175 năm. Đây cũng là một trong những ngôi đình cổ nhất tại Cần Thơ với kiến trúc còn khá nguyên vẹn. Một điểm tham quan khá thú vị về lịch sử, văn hóa của Cần Thơ và miền Tây.
Đình Bình Thủy tọa lạc tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Đình nằm sát với khu cư dân được bao quanh bởi hàng rào tứ giác: Mặt Bắc cách bờ sông Hậu khoảng 200 m, mặt Đông là bờ con rạch Bình Thủy, còn mặt Nam sát đường Lê Hồng Phong.
Đình Bình Thủy hay Long Tuyền Cổ Miếu là niềm tự hào về truyền thống văn hóa tín ngưỡng của vùng đất, con người Cần Thơ. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam bộ. Trải qua quảng thời gian thăng trầm lịch sử và lưu giữ được nhiều yếu tố nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của một làng cổ tại vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Đình Bình Thủy được dựng vào năm 1844 và đến năm 1852 được vua Tự Đức phong sắc. Thời kì đó đình được làm bằng tre nhưng sau đó đã được tu sửa.
Kiến trúc ngôi đình này khác rất nhiều so với kiến trúc ở miền Bắc. Đình được cất trên một nền cao ráo và có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều là hình vuông nên chiều nào cũng có 6 hàng cột, các chân cột đều choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc. Nhìn trên nóc đình, ta thấy nhà trước hai mái chồng lên nhau, nhà chánh điện sau 3 mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc “thượng lầu hạ hiên”. Trên nóc đình có gắn tượng hình người, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng.
Kiến trúc của đình không chỉ thể hiện nét tinh túy của văn hóa sông nước miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn mang đậm dấu ấn của làng cổ truyền thống Cần Thơ.
Đình gồm 2 khu vực gồm khu đình chính và “lục ấp”. Khu đình chính bao gồm năm ngôi nhà (tiền đình, chính điện) và khu “lục ấp” gồm một khu nhà để chuẩn bị đồ lễ cùng với một nhà hát. Bên ngoài đình còn có vài ngôi miếu thờ các vị thần.
Đình thờ Thành hoàng và nhiều danh nhân Ở tòa chính điện, chính giữa là bàn thờ chính. Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ Thần Nông và Thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.
Sau này nhân dân còn đưa thêm những người có công với nước vào thờ như Hồ Chí Minh, Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực…
Việc bố trí các bàn thờ trong đình với cách thờ thần khá đa dạng và phong phú đã phản ánh văn hóa, đồng thời cũng phần nào giới thiệu tính phóng khoáng, cởi mở, lòng bao dung đón nhận mọi tinh hoa theo không gian và thời gian.
Hàng năm, tại đình tổ chức các ngày lễ Thượng điền, Hạ điền rất đông vui, náo nhiệt với các tiết mục diễn xướng và trò chơi dân gian như: hát bội, thả vịt, kéo co, nữ công gia chánh… được duy trì từ xưa cho đến nay, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Lễ Thượng điền từ ngày 12 – 14 tháng 4 âm lịch, cúng Thành hoàng làng sau khi thu hoạch, với các nghi thức cầu an, cúng tế, rước thần trên xe rồng tán phượng, thỉnh sắc thần bằng bè ghép được trang trí lộng lẫy. Và lễ Hạ điền thì tổ chức vào các ngày 14 – 15 tháng chạp.
Nếu đến thăm miền sông nước phù sa, bạn hãy đến Cần Thơ, thưởng ngoạn vẻ đẹp bình yên của Đình Bình Thủy, tham gia hội đình Bình Thủy truyền thống, để có những trải nghiệm tuyệt vời cùng những người dân mộc mạc chân chất và hiếu khách.