- 15/07/2020
- QUIZZ DU LỊCH
Những ngôi nhà cổ trăm tuổi ở miền Tây
(Góc thông tin)
1/ Là ngôi nhà cổ duy nhất của Miền Tây được UNESCO Việt Nam công nhận là Di sản văn hóa vào năm 2004. Ngôi nhà được xây dựng và hoàn tất năm 1838, có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 3 gian, 2 chái, rộng gần 1.000m2, với 108 cây cột, toàn bộ được làm từ các loại gỗ quý như lim, cẩm lai, giáng hương, căm se. Tất cả đều được chạm trổ hoa văn tinh xảo và ngôi nhà đó chính là Nhà Cổ Ông Kiệt.
2/ Nhà Cổ Ông Kiệt tọa lạc ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, ngôi nhà được các nhà khảo cổ Nhật xếp vào loại “Cửu Đại Mỹ Gia” ở Việt Nam và công nhận là di sản văn hóa của UNESCO châu Á.
3/ Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc tại số 255A, đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam. Ngoài giá trị kết hợp giữa hai lối kiến trúc Đông – Tây, ngôi nhà cổ còn nổi tiếng bởi liên quan với một cuộc tình không biên giới của một nhà văn Pháp Marguerite Duras, và chàng công tử người Việt gốc Hoa giàu có Huỳnh Thủy Lê vào những năm đầu thế kỷ 20. Mối tình này về sau trở thành hồi ký để bà viết nên tiểu thuyết nổi tiếng Người tình (The Lover) năm 1984. Tác phẩm này được đạo diễn người Pháp Jean-Jaques Annaud chuyển thể thành phim L’Amant năm 1992.
4/ Theo Cổng thông tin du lịch Cần Thơ, nhà cổ Bình Thủy tọa lạc tại số 26/1A, đường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ. Đây là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Tây, trở thành điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách tham quan. Ngôi nhà được ông Dương Văn Vị xây dựng lần đầu tiên bằng gỗ, lợp ngói vào năm 1870.
5/ Tọa lạc ở phường 1 của thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, Đốc Phủ Hải (Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải), vị trí đắc địa với ba mặt tiền đường Trần Hưng Đạo – Hai Bà Trưng – Lê Thị Hồng Gấm, ngôi nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải là một công trình kiến trúc cổ độc đáo với những nét chạm trổ cầu kỳ, khoáng đạt thể hiện sự vương giả của gia đình chủ nhân còn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Đốc Phủ Hải là sự pha trộn độc đáo giữa kiến trúc Đông – Tây, thể hiện sự giao thoa văn hóa Việt – Pháp.
6/ Làng nhà cổ nằm ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 46km. Các ngôi nhà ở đây không nằm san sát nhau như ở những ngôi làng nhà cổ khác, mà nằm rải rác trong 6 ấp của huyện Cái Bè. Số nhà cổ có niên đại từ 150 – 200 năm tuổi là 7 căn, từ 80 – 100 năm tuổi là 29 căn, ẩn mình trong các vườn cây ăn trái sum suê, tạo nên vẻ đẹp bí ẩn thu hút du khách ngay từ cổng vào.
7/ Nhà công tử Bạc Liêu (nay là khách sạn Công tử Bạc Liêu) tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Dinh thự của Công tử Bạc Liêu do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng năm 1919. Chủ nhân của ngôi nhà này chính là công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy.
8/ Ngôi nhà do ông Trần Văn Hoa, lúc ấy là Hương Sư làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn, xây dựng vào những năm 1901-1903. Dù có tên Nhà trăm cột, thực chất, nó có 120 cột với lối thiết kế theo kiểu thời Nguyễn, mang đậm phong cách Huế. Ngôi nhà này nằm trên địa bàn huyện Cần Đước, tỉnh Long An ngày nay.