Làng Cổ Phước Tích, yên bình bên bờ Ô Lâu

Làng Phước Tích thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là ngôi làng cổ thứ hai được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia sau làng cổ Đường Lâm. Nằm bên bờ Ô Lâu hiền hòa, cách quốc lộ 1A chỉ 1 km, ngôi làng nhỏ yên bình này xưa kia từng nổi tiếng với làng nghề gốm cổ truyền.

Mang những dấu ấn đậm nét của làng quê miền Trung với tuổi đời trên 500 năm và đã được xếp hạng di tích quốc gia, nhưng làng cổ Phước Tích vẫn chưa được nhiều du khách biết tới. Nhưng chính vì thế, tới đây, du khách lại có cảm giác bình yên đến lạ, trốn xa khỏi sự xô bồ của những khu du lịch sầm uất.

Làng cổ Phước tích thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Theo một số tài liệu lịch sử có ghi chép lại thì ngôi làng này được hình thành từ thế kỷ 15, gần sát với thời điểm nhà nước phong kiến Đại Việt mở mang cõi đất về phương Nam.

Theo sử sách, Phước Tích được thành lập từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông và được bao bọc hầu như toàn bộ bởi dòng sông Ô Lâu huyền thoại, nước sông luôn trong xanh khiến nơi đây gần như một hòn đảo, quanh làng  có di tích 12 bến nước tượng trưng cho 12 con giáp.

Tên gọi đầu tiên của làng là Phúc Giang, như mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc. Đến thời Tây Sơn, Phúc Giang được đổi thành Hoàng Giang, để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng. Đến đời Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích, như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.

Hơn 5 thế kỷ tồn tại, trải qua các cuộc chiến tranh binh lửa và sự tàn phá của thiên nhiên. Có thể nói, Phước Tích vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên sơ của làng quê Việt với phong cảnh hữu tình, không gian yên ả, với cây đa, bến nước, sân đình, Phước Tích đẹp như một bức tranh cổ của làng quê Việt Nam.

Đến thăm làng cổ Phước Tích, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi ngắm  những ngôi nhà rường cổ kính với lối kiến trúc nghệ thuật đặc sắc ẩn hiện bên dòng sông trong xanh, hiền hòa, dịu mát. Thăm làng, du khách cũng có dịp được khám phá, trải nghiệm cuộc sống thanh bình của một miền quê yên ả, gần gũi, thân thiện là sự kết hợp hài hòa giữa trời, đất và con người.

Hiện nay, trong làng có khoảng 117 hộ dân, với 27 nhà cổ, gồm 10 nhà thờ họ cổ, còn lại đa số là những ngôi nhà rường đặc trưng của Huế, được thiết kế theo lối 3 gian 2 chái. Trong đó có tới 12 ngôi nhà rường được xếp hạng có giá trị đặc biệt.

Những ngôi nhà rường trong làng đều có một khu vườn rộng và cách nhau bởi những hàng chè xanh thẳng tắp. Những khu vườn rộng rãi với những cây cổ thụ xanh tốt, có cây hoàng lan hơn 100 tuổi đến mùa vẫn nở hoa thơm ngát, hay cây tùng, mai, mít… vẫn đổ bóng xuống làng quanh năm.

Bên trong những ngôi nhà rường cổ là hệ thống kiến trúc gỗ tinh tế, hệ thống vì kèo, xà, cửa, hoành phi, câu đối cho tới bàn ghế, tràng kỷ, bô ngựa (phản), bàn thờ, tủ,…đều được trạm khắc kĩ lưỡng, tinh xảo không thua kém gì các kiến trúc gỗ ở Hoàng cung triều Nguyễn đã trở thành bảo tàng của từng gia đình dòng họ. 

Tổng thể ngôi nhà rường được quy hoạch theo kiến trúc của thuật phong thủy trước cửa nhà luôn có bức bình phong đóng vai trò chắn gió độc và ngăn chặn tà ma xâm nhập vào ngôi nhà. Dưới chân bình phong là một bể nước tạo ra từng chấn phong thủy.

Bên cạnh những ngôi nhà rường độc đáo, những công trình thờ tự cổ kính uy nghiêm, đến đây bạn còn được biết thêm làng cổ Phước Tích có nghề truyền thống làm gốm vô cùng đặc sắc. Gốm ở Phước Tích nổi tiếng bởi độ bền, bón mịn và tinh xảo. Tất cả các sản phẩm gốm cổ đều được làm bằng tay, và đun bằng củi trong các lò sấp, lò ngửa.

Người Huế vẫn còn nhớ câu: “Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế – Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân” để nói về những của ngon vật lạ, món đồ quý hiếm của đất kinh thành, trong đó có om – nồi đất của làng Phước Tích dùng để nấu cơm của vua chúa.

Với nghề làm gốm truyền thống, những sản phẩm được tạo ra từ làng Phước Tích từ xa xưa đã trở thành những sản phẩm quý chuyên để dâng lên cho vua chúa triều Nguyễn. Nhưng kể từ sau năm 1975, sự xuất hiện của đồ gốm tạp với nhiều mẫu mã bắt mắt và đồ nhựa đã khiến gốm cổ Phước Tích không còn khả năng cạnh tranh. Và tới năm 1989, gốm Phước Tích gần như tắt lửa.

Đến này, qua nhiều biến động của lịch sử và sự cố gắng khôi phục các làng nghề truyền thống, nghề làm gốm của người dân Phước Tích cũng dần được khôi phục, các sản phẩm gốm được sản xuất nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng và các tỉnh thành lân cận khác.

Bước đi trên con đường vắng người được lát gạch ở Phước Tích bạn sẽ thấy trong lòng bình yên đến kỳ lạ. Cách quốc lộ 1A ồn ào chỉ 1km, không thể tưởng tượng được lại có một không gian cổ kính, yên tĩnh đến thế, phong cảnh hữu tình của vùng quê bên sông, những ngôi nhà vườn cổ kính, thanh bình và những trải nghiệm làng nghề. Nếu có lần đi qua Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bạn đừng quên ghé thăm ngôi làng nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống này nhé.