Tranh Đông Hồ – Tinh hoa dòng tranh dân gian đất Việt

Nhắc đến dòng tranh dân gian thì không thể không nhắc đến Làng tranh Đông hồ Bắc Ninh. Từ lâu làng tranh đã nổi tiếng với những sản phẩm tranh đông hồ có giá trị và đặc sắc. Đây cũng là nơi thu hút hàng ngàn du khách ghé thăm mỗi năm, cùng ghé thăm và tìm hiểu đôi nét về làng nghề truyền thống tại Bắc Ninh này nhé.

Làng tranh Đông Hồ nằm bên bờ sông Ðuống, thuộc địa phận xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Làng Hồ cách trung tâm thành phố Bắc Ninh về hướng Nam chừng khoảng 16km. Mỗi năm, chợ tranh chỉ nhộn nhịp và tấp nập nhất vào tháng Chạp, họp 5 phiên vào các ngày 6, 11,16, 21 và 26. Du khách thập phương đổ về mua tranh đông vui, tấp nập.

Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ. Ngày xưa làng Đông hồ còn có tên là làng Mái. Những câu ca dao từ thời xưa về làng nghề này còn được truyền lại đến ngày nay:
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh.

Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.

Tranh Đông Hồ nổi bật nhờ gắn liền với làng quê thôn xóm, với đời sống bình dị của người dân nông thôn, rất gần gũi với cộng đồng người dân Việt… đề tài được lấy từ chính đời sống, sinh hoạt sản xuất hay xuất phát từ triết lý phồn thực, tuy dung dị nhưng cũng rất gần gũi với sinh hoạt đời thường. Từ những nhân vật trong truyền thuyết hay trong tích truyện, những cảnh đẹp của non sông đất nước, đến những bức tranh mang ý nghĩa cầu chúc, những sinh hoạt đời thường như “Vinh hoa phú qúy”, “Hái dừa”, “Đánh ghen”, “Mục đồng thổi sáo”, “Đám cưới chuột”…, tất cả đều hàm chứa những triết lý nhân văn sâu sắc.

Không áp dụng các nguyên tắc về ánh sáng hay luật cận – viễn của tranh đương đại với bố cục chặt chẽ về cơ thể học, các nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian chỉ bằng lối vẽ đơn tuyến bình đồ đã tạo nên dòng tranh Đông Hồ mang nhiều tính ước lệ cả trong miêu tả lẫn trong bố cục, đã đưa người xem tranh lạc vào thế giới của những nét vẽ ngây ngô, đơn giản nhưng cũng rất thú vị. Đặc biệt trên mỗi bức tranh, bao giờ nghệ nhân cũng đề một vài chữ Hán hoặc chữ Nôm (ngày xưa) hay câu thơ lãng mạn, tình tứ (ngày nay) càng khiến cho tranh thêm đậm đà ý vị…

 Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở chất giấy in và màu sắc. Giấy in tranh Đông Hồ giấy Dó hay còn gọi là giấy điệp: giấy được làm thủ công từ nguyên liệu là cây Dó mọc trên rừng giống như vỏ cây Bạch đàn, cây Dó đem về cho vào cối giã nhỏ, rây thành bột mịn, sau đó dùng bột này chế biến thành giấy Dó. Do trên nền giấy thường được quét bằng một lớp hồ hoặc nhựa thông có pha loại bột từ vỏ sò Điệp, loại bột được nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó, vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng,  nên còn gọi là giấy điệp.

Người làng Hồ đã biết vận dụng, chắt lọc từ những chất liệu thiên nhiên để tạo nên những sắc màu truyền thống vừa tươi vừa có độ bền màu, như màu xanh da trời được chiết suất từ gỉ đồng; màu chàm được chiết suất từ lá cây Chàm ở Lạng Sơn; màu đỏ thắm từ vỏ cây Vang; màu đỏ son từ đá sỏi khai thác trên núi; màu vàng từ hoa Hòe hay rơm nếp; màu đen từ tro Xoan hay tro lá cây Tre; màu trắng ngà óng ánh sáng điệp là do bởi chất điệp được chế biến từ vỏ ốc hay vỏ sò của vùng biển Quảng Ninh… Đây là những màu cơ bản, không pha trộn và mỗi màu tương ứng với một bản khắc gỗ nên thường tranh Đông Hồ chỉ giới hạn ở bốn màu.

Trên cơ sở những màu sắc cơ bản ấy người dân đã tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau từ việc trộn lẫn các màu để vẽ lên các tác phẩm tuyệt vời. Để hoàn thành một sản phẩm, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi…

 Cứ thế, dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh từng hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân, những hình ảnh của cuộc sống thường ngày … như “bừng” sáng trên giấy dó. Mọi giai đoạn đều thật công phu nên đòi hỏi người làm tranh luôn cẩn trọng, cầu kì, chú ý đến từng chi tiết nhỏ để có được một bức tranh đẹp.

Tranh làng Hồ đã được nhiều người coi như đặc sản của xứ Kinh Bắc. Không chỉ có người Hà Nội và dân một số tỉnh thành trong nước sành điệu, yêu thích tranh Tết Ðông Hồ về tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội họa, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của làng Hồ.

Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc đến hầu như ai cũng đều biết cả. Tranh Đông Hồ gần gũi còn vì hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn trong chương trình giáo dục phổ thông. Ngày nay lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều: làng Đông Hồ ngày nay có thêm nghề làm vàng mã. Nghề giấy dó ở làng Yên Thái (Bưởi, Tây Hồ) cũng đã không còn. Tuy vậy, tranh Đông Hồ vẫn đóng vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu.

Hy vọng cùng với việc tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia cho nghề tranh Đông Hồ để đệ trinh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa thế giới. Người làng Hồ sẽ giữ gìn được nghề truyền thống và bảo tồn được một nét văn hóa đẹp, để tranh Đông Hồ giữ mãi nét tươi trong và sáng bừng trên giấy Điệp…