Nhà Lớn Long Sơn, công trình kiến trúc kỳ lạ và độc đáo.

Nhà lớn Long Sơn (xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là một quần thể được xây dựng với kiến trúc độc đáo “có một không hai” ở Việt Nam.

Vào năm 1991, toàn thể khu Nhà Lớn đã được công nhận là di tích Lịch sử-Văn hoá cấp quốc gia của Việt Nam

Nhà lớn Long Sơn (còn gọi là đền Ông Trần nằm bên sườn phía Đông Núi Nứa, thuộc xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ mang nhiều nét đặc sắc, có thể nói là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Quần thể di tích này là sự pha trộn của nhiều tín ngưỡng dân gian địa phương với Nho giáo và Lão giáo.

Công trình này do Ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, người Hà Tiên, đến đảo Long Sơn khai hoang lập nghiệp khoảng năm 1900) một ông đạo có tiếng cho khởi công xây dựng từ năm 1910-1929. Tất cả đều nhờ tiền của và công sức tự nguyện của ông và của nhiều người tin theo ông.

Về tổng quan, Nhà Lớn Long Sơn là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quý, nằm trên tổng diện tích khoảng 2 ha.

Điều đặc biệt của Nhà lớn Long Sơn là các công trình không được xây theo một quy hoạch tổng thể nào. Nhà lầu, nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc rất khác lạ.

Nhà lớn Long Sơn được xây dựng trong gần 20 năm (từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành). Đây là một tập hợp quần thể kiến trúc khép kín và liên thông, được chia thành 3 khu riêng biệt.

Khu nhà thờ, khu lăng mộ Ông Trần và một khu gồm nhiều nhà với các chức năng khác nhau. Các công trình đều mang màu sắc tươi sáng với tường vôi trắng, các ô cửa, mành che và vách gỗ sơn xanh, thể hiện nét tín ngưỡng của đạo Ông Trần và tính quần cư, đoàn kết giữa những người dân tha hương khi đến chốn rừng núi hoang vu lập nghiệp.

Ấn tượng nhất ở Nhà lớn Long Sơn là khu nhà thờ. Khu nhà này quay mặt về hướng Đông, có diện tích 7.800m2 bao gồm các công trình kiến trúc: Lầu Cấm (Tiền điện); Nhà Thánh, Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật (Chính điện), nhà Hậu (Hậu điện) và Lầu Dài là nơi lễ nghi hội hè. 

Bên trong các ngôi nhà này, các trụ cột và xà nhà đều có treo câu đối, câu liễn và hoành phi. Nổi trội nhất là các bộ bao lam đều chạm trổ hình hoa, hình thú rất khéo léo, công phu và đều được tô son thiếp vàng rực rỡ.

Trong các gian thờ có vô số kỷ vật cổ, đa phần bằng gỗ quý. Cách bày trí nội thất khu di tích rất trang nghiêm, uy nghi với nhiều hoành phi, hương án bài vị, bàn thờ, tủ cẩn, câu đối.

Tất cả những người dân đang sinh sống, làm việc, trông nom khu Nhà lớn Long Sơn đều có trang phục đặc biệt giống nhau, đàn ông thì để tóc dài, nuôi dâu. Họ cùng làm việc, sinh hoạt trong một cộng đồng khép kín.

Khi tham quan Nhà Lớn, du khách sẽ bắt đầu từ khu nhà khách. Ở đây khách sẽ được mời dùng trà, bánh ít trần và khoai mì, sau đó được người hướng dẫn của Nhà Lớn đưa đi thăm các khu nhà chính.

Hàng năm vào ngày giỗ Ông Trần (20 tháng 2 Âm lịch) và ngày Tết Trùng cửu (9 tháng 9 âm lịch), Nhà Lớn Long Sơn đều có tổ chức lễ hội long trọng, thu hút hàng chục ngàn người gần xa về tham dự.

Đạo ông Trần thực chất là đạo làm người. Bởi ngày xưa, ông Trần thường dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu… và cứ thế mà truyền đời cho con cháu hôm nay.

.