Những đặc sản trứ danh đất Cà Mau

(Góc thông tin)

1/ So với các loại cua biển khác như yếm vuông, y nhất, y nhì, y ba, gạch son thì cua cốm là loại cua rất hiếm và ngon nhất trong tất cả các loại cua.
 Sở dĩ cua cốm hiếm là do trong khoảng thời gian lột xác, cua cốm vào hang trú ngụ, không di chuyển và lấp kín miệng hang để trốn tránh kẻ thù. Do đó, để bắt được cua cốm, phần lớn người dân chỉ dùng cách đào hang rất khó khăn, vất vả nên số lượng cua cốm bán trên thị trường là không nhiều. Cua cốm thực ra là cua biển sắp đến ngày lột xác (lột vỏ) để lớn lên và chuẩn bị thành cua lột và hay còn được gọi là cua 2 da.

2/ Đến với Cà Mau khách du lịch có thể thưởng thức những đặc sản nơi đây, đặc biệt là món đặc sản Ba khía Rạch Gốc đã có thương hiệu từ xưa đến nay vì chỉ có địa phương này con ba khía mới thật sự ngon, hấp dẫn hơn cả. Khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch hàng năm là vào mùa ba khía. Loại ba khía này ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác, với bàn tay khéo léo lành nghề của dân địa phương đã tạo nên loại mắm trứ danh đất Cà Mau, mắm ba khía Rạch Gốc.

3/ Đất Mũi Cà Mau nổi tiếng với món đặc sản tôm khô. Được làm từ loại tôm đất sinh thái đặc biệt, làm cho con tôm khô ở đây có vị ngọt dai ăn rồi không thể quên. Những con tôm tươi ngon được chế biến hoàn toàn thủ công, phơi khô dưới cái nắng tự nhiên có màu vàng ruộm hấp dẫn, phần thịt dày, vị ngọt tự nhiên mà không quá khô cứng.

4/ Bồn bồn là một loại cỏ hoang sống ven rìa đầm lầy vùng nước ngọt lợ ở miền Tây, nhưng có nhiều ở vùng Cà Mau. Bồn bồn là loại được xem là sản vật trời ban có giá trị của người dân Đất Mũi chỉ có từ tháng 6 -11. Bồn bồn có hình dạng giống cây sả nhưng mùi thơm và vị hoàn toàn khác biệt, phần nõn trắng của bồn bồn sau khi làm sạch sẽ được sử dụng làm nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn ngon dân dã như nấu canh, làm dưa, xào vọp, trộn gỏi đều ngon hấp dẫn.

5/ Vọp là một trong những sản vật đặc trưng của Cà Mau, có hình dáng hơi giống nghêu nhưng kích thước lớn hơn, thường sống ở bãi bồi, cửa biển, rừng ngập mặn… Với thịt ngọt, dai đặc biệt, vọp Cà Mau có thể chế biến thành các món như luộc gừng, nướng mỡ hành, xào bồn bồn, nấu canh chua…

6/ Ong rừng U Minh hút mật hoa tràm, sống tự nhiên không có sự tác động của con người nên không chỉ mật thơm ngon mà ngay cả nhọng ong cũng béo ngậy hơn bình thường. Và gỏi nhộng ong cũng là món ăn đặc sản trứ danh, ngon khó cưỡng. Chế biến món này, người ta phi hành mỡ rồi cho nhộng ong đã làm sạch vào xào sơ với chút mắm, tiêu cho đậm đà. Rồi trộn chung với bắp chuối bào nhỏ ngâm giấm, lạc giã nhỏ, và các loại rau thơm miệt vườn trộn cùng nước mắm chua ngọt làm nên món gỏi dân dã nhưng đậm đà khó quên.

7/ Bánh tằm cay là đặc sản nức tiếng, du khách không nên bỏ qua khi đến Cà Mau. Những sợi bánh có hình dạng to mập trắng trẻo như những con tằm được làm từ loại gạo ngon , kết hợp với các nguyên liệu khác tại nên món bánh tằm cay trứ danh. Món ăn nổi bật hương vị cà ri đặc trưng, có nước dùng sền sệt, xíu mại beo béo, thịt gà (đùi, cánh, ức…) dai dai, giá sống, rau thơm thanh mát…

8/ Chả trứng mực món đăc sản độc đáo từ cách chọn nguyên liệu chế biến của người sáng tạo ra chúng và hương vị biển đậm trưng khác biệt. Họ sẽ lấy cả trứng mực và hai nang sữa tươi đã rửa sạch cho vào cối, quết đều tay đến khi thấy đầu chày có dính keo thì thôi. Trong lúc quết thêm chút gia vị tiêu, bột ngọt, muối cho vừa khẩu vị; hoặc hấp dẫn hơn sẽ cho thêm thịt, trứng vịt hay gan heo vào quết cùng. Sau đó, dùng bao giấy có thấm dầu ăn nắn hỗn hợp trên thành từng cục tròn, dùng lực bàn tay ép dẹp như chả cá hay làm. Chả làm xong có thể ăn ngay hoặc để dành bằng cách phơi nắng cho se mặt rồi cất vào tủ lạnh. Vì hiếm nên chả trứng mực đất mũi Cà Mau không chỉ được người dân nơi đây bày biện trong những bữa tiệc thịnh soạn đãi khách quý mà còn gói gém thành món quà đặc sản gửi người phương xa, biếu tặng.