Những điều thú vị về Miền Tây

Góc Thông Tin

1/ Khu vực Miền Nan trước đây từng có tên gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh nghĩa là 6 tỉnh Miền Nam. Nhưng giờ đây riêng phần Tây Nam Bộ là đã có đến 12 Tỉnh và 1 Thành Phố trực thuộc Trung Ương ( Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Bạc Liêu. Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An và Tp. Cần Thơ)

2/ Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2019, Kiên Giang là tỉnh có diện tích lớn nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long với 6.346km2 bao gồm 02 thành phố thuộc tỉnh (Rạch Giá và Hà Tiên) và 13 huyện (trong đó có 02 huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải).

3/ An Giang rộng 3.536 km2, hiện có số dân khoảng 2,2 triệu. Tỉnh này đứng đầu về dân số và đứng thứ tư về diện tích (sau Kiên Giang, Cà Mau và Long An) ở đồng bằng sông Cửu Long.

4/ Ngày 1-2- 2020 , Tỉnh ủy Hậu Giang đã công bố nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập thành phố Ngã Bảy trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Thành phố Ngã Bảy có 6 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 4 phường: Ngã Bảy, Hiệp Thành, Lái Hiếu, Hiệp Lợi và hai xã Đại Thành, Tân Thành. Đô thị này có diện tích tự nhiên hơn 78km2, dân số hơn 100.000 người. Đây là Tp trẻ nhất cho đến thời điểm hiện tại của Đồng Bằng Sông Cửu Long.

5/ Hiện nay Việt Nam có 33 Vườn Quốc Gia với tổng diện tích các vườn quốc gia khoảng 10.665,44 km². Trong đó khu vực đồng bằng Sông Cửu Long có 5 VQG: Tràm Chim, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Mũi Cà Mau, Phú Quốc

6/ Khu Ramsar là vùng đất ngập nước có đủ điều kiện đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định trong Công ước Ramsar. Việt Nam hiện nay có 9 khu vực được công nhận là khu Ramsar trong đó 4 khu thuộc về Đồng Bằng Sông Cửu Long là: Láng Sen, Tràm Chim, Mũi Cà Mau, U Minh Thượng.

7/ Chùa Khmer có mặt ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng tỉnh có nhiều chùa nhất phải kể đến là Tỉnh Trà Vinh. Hiện nay ở đây có đến 141 ngôi chùa Khmer lớn nhỏ. Dù xây dựng ở các giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng về kiến trúc, mỗi ngôi chùa Khmer đều là một công trình nghệ thuật.

8/ Kênh Vĩnh Tế đào song song với đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Kênh Vĩnh Tế có chiều dài là 87km, rộng 30m, độ sâu trung bình khoảng 2,55m đến thời điểm hiện tại được xem là con kênh đào dài nhất Miền Tây Nam Bộ.

9/ Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng năm 2004 và khánh thành năm 2010 là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á (chiều dài nhịp chính là 550m). Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85km (bao gồm: phần đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long dài 5,41km; phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75km; phần đường dẫn vào cầu phía Cần Thơ dài 7,69km). Quy mô mặt cắt ngang cầu có chiều rộng 23,1m (bao gồm: bốn làn xe, mỗi làn rộng 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề rộng 2,75m).