Những điều thú vị về Tết Trung Thu

(Góc thông tin)

  1. Tết Trung Thu: Trung thu là giữa mùa thu. Tết Trung Thu như tên gọi rơi vào Rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Theo đó, người xưa luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia ly. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết Đoàn viên.
  2. Khác với Tết Trung Thu của Trung Hoa khi gắn với sự tích Hằng Nga – Hậu Nghệ, gắn với Tết Trung Thu của Việt Nam là những câu chuyện rất thú vị về chị Hằng, chú Cuội ngồi gốc cây đa.
  3. Tết trung thu không thể thiếu đi hình ảnh chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh trăng vàng. Đèn lồng Việt Nam làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc, là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình. Vào dịp trung thu mỗi gia đình Việt đều bày cỗ với đầy đủ nào là bánh trung thu, kẹo, mía, thị,bưởi, dưa hấu… sau khi rước đèn, trẻ em sẽ cùng nhau ăn bánh kẹo trên cỗ gọi là tục rước đèn phá cổ, biểu hiện cho sự sung túc ấm no.
  4. Tết Trung Thu trẻ em sẽ được người lớn tặng lồng đèn, cùng bạn bè rước đèn, phá cổ, xem múa lân và tổ chức các trò chơi dưới trăng nên đây cũng được xem là Tết Thiếu nhi.
  5. Dường như bánh trung thu đã trở thành một thức bánh chỉ có vào dịp tết trung thu và không thể thiếu của mọi nhà. Được làm từ bột mì nhân hạt sen và bột đường, bánh trung thu biểu tượng, sung túc, no đủ và hòa thuận của gia đình. Hình tròn của bánh thể hiện hình dáng vầng trăng thu tròn và trắng ngà trong biểu tượng ý nghĩa “đoàn viên gia đình” tròn đầy và viên mãn.
  6. Ở Việt Nam gồm hai loại bánh là bánh dẻo và bánh nướng.
    Bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ hoặc khuôn nhựa hình tròn, nhân làm bằng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn – mang sắc thái của đất nước Việt Nam.
    Bánh nướng gồm hai phần: vỏ bánh và thân bánh. Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, nhân có thể được làm bằng đậu xanh, khoai môn hay hột sen tán nhuyễn bao bọc lấy lòng đỏ trứng muối có mùi vani hay sầu riêng; nhân thập cẩm gồm đủ thứ như dăm bông, thịt lợn, vi yến, dừa, hạt dưa, ngó sen, bí đao…
  7. Vào ngày này, theo phong tục người Việt, người lớn thường chuẩn bị mâm cỗ (bánh, trái…) dâng lên cúng tổ tiên, những người đã khuất. Mỗi loại quả được bày lên mâm cỗ trung thu đều mang những ý nghĩa riêng. Quả bưởi tượng trưng cho những điều may mắn, tốt đẹp. Quả dưa hấu đỏ, dưa vàng cầu bình an. Quả na với ước nguyện phát lộc, quả chuối lại mang ý nghĩa sinh sôi, con cháu đề huề. Quả hồng đỏ thắm mang niềm hy vọng, dây hạt bưởi có tinh dầu nên khi đốt nó tỏa ra một hương thơm vô cùng dễ chịu…Từ lâu, ý nghĩa của các loại quả đã khắc sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Sau đó, tất cả các thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau cùng phá cỗ, thưởng trăng.