- 24/06/2020
- ĐẶC SẢN ĐỊA PHƯƠNG
- Tags: Bách Giang, bánh đa kế, bánh đa Thổ Hà, bánh đúc Đồng Quan, Cua da, đặc sản, Gà đồi Yên Thế, Mỳ Chũ, rượu làng Vân, vài thiều Lục Ngạn
Những món ngon nức tiếng của Bắc Giang
Mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, bánh đa Thổ Hà, gà đồi Yên Thế… là những đặc sản từ lâu đã nổi tiếng khắp nước của tỉnh Bắc Giang.
1. Bánh đa Thổ Hà
Bất kể một ai đã từng ghé qua làng Thổ Hà chắc hẳn đã nếm thử hương vị bánh đa được sản xuất tại đây. Bánh đa ở đây khác hẳn với các loại bánh đa thông thường, nó được chế biến với một công thức bí truyền cùng với việc lựa chọn nguyên liệu kỹ càng và cách chế biến độc đáo nên có hương vị ngon rất riêng. . Có 2 loại là bánh đa nướng và bánh đa nem. Bánh đa nướng có màu vàng rộ, giòn tan, khi ăn có vị thơm bùi của vừng và lạc. Còn bánh đa nem có màu trắng vừa phải, mềm dẻo, dai và ngon, có đường kính khoảng 40 cm, rất phù hợp để làm quà mang về cho người thân thưởng thức.
2. Mỳ chũ
Mỳ Chũ được chế biến từ hạt gạo Bao Thai Hồng trồng trên vùng đất đồi Chũ. Những sợi mỳ dẻo dai, đậm đà có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào khi thưởng thức.
3. Vài thiều Lục Ngạn
Vải thiều là đặc sản nổi tiếng nhất được trồng ở vùng Lục Ngạn – Bắc Giang. Quả vải thiều Lục Ngạn có đặc điểm khi chín có màu đỏ, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày khi ăn có vị ngọt đậm, giàu chất dinh dưỡng, một khi đã ăn thì mãi không biết chán. Dù cùng giống vải này được trồng ở nhiều vùng khác nhau nhưng không thể có hương vị sánh bằng khi trồng ở Lục Ngạn. Hiện nay sản phẩm này đang rất được ưa chuộng cả trong nước cũng như nước ngoài. Ngoài vải tươi ở đây người dân còn sấy khô vải để giữ được hương vị của vải mà không làm mất đi vị ngọt đặc trưng.
4. Gà đồi Yên Thế
Ở Yên Thế, món gà đồi chính hiệu mới là thứ đáng để nhớ bởi “Yên Thế đệ nhất gà đồi. Thịt thơm lại chắc, ăn rồi thì mê”. Món gà đồi ngon nhất chỉ nên luộc chín tới, thịt gà còn chắc, giòn để chấm với muối trộn lá chanh, nước luộc ngọt lịm dùng để ăn kèm với cơm.
5. Bánh đúc Đồng Quan
Bánh đúc làng Đồng Quan được nhiều người yêu thích bởi bánh vừa dẻo, vừa mát. Nhìn miếng bánh đúc trắng ngần, bóng mịn, lấm tấm mấy hạt lạc bùi bùi, giòn sần sật làm ta chẳng thể cưỡng lại mà cầm lên thưởng thức. Ăn bánh đúc phải chấm với tương bần. Khi đó, cái vị ngọt của gạo, vị nồng của vôi, vị béo của dừa, vị mặn của tương, tất cả hòa quyện thành vị quê nồng đượm.
6. Bánh đa kế
Bánh đa Kế là một món ăn bình dị, dân dã, chứa đựng trong đó bao hương vị, đậm đà quê Bắc Giang. Những chiếc bánh đa với hình yên ngựa vàng bóng, vị thơm, béo của vừng đen, vị bùi bùi của lạc, vị thơm nhè nhẹ của gạo hòa lẫn với khoai lang, vị đậm đà của muối tinh.
Gọi là bánh đa Kế bởi món bánh này được làm ở làng Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Xưa kia, bánh đa Kế chỉ là món ăn dân dã ở vùng thôn quê. Ngày nay, bánh đa Kế xuất hiện cả trên những bàn tiệc sang trọng, những nhà hàng cao cấp.
7. Cua da
Cua da chỉ xuất hiện và khoảng đầu đông trong thời gian khoảng 2 tháng (tháng 9 và tháng 10 âm lịch) hằng năm, ở các ghềnh đá đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng. Ăn cua da ngon nhất và đơn giản nhất là đem hấp bia. Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn. Thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm, chấm bột canh pha mù tạt kèm nửa quả chanh vắt vào thì không gì thú vị bằng.
8. Rượu làng Vân
Rượu Làng Vân là danh tửu của xứ Kinh Bắc. Rượu Làng Vân được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon trồng trên cánh đồng làng Vân Xá, xã Vân Hà,Việt Yên, Bắc Giang với men rượu bí truyền của làng Vân.
Trước kia, rượu Làng Vân là lễ vật để dâng lên vua chúa và thường xuyên được sử dụng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình. Cổng đầu làng Vân Xá có 2 câu đối:
“Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc
Chiến công như nguyệt rạng trời Nam”
Trong đó “Vân hương mỹ tửu” là 4 mỹ tự do vua Lê Hy Tông sắc phong cho sản vật lừng danh này vào năm Chính Hòa thứ 24 (1703).