Pù Luông – Vùng đất say lòng người

Nói đến Thanh Hóa, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến bãi biển Sầm Sơn xinh đẹp với nắng và cát vàng. Tuy nhiên không chỉ có Sầm Sơn, Thanh Hóa còn sở hữu một điểm du lịch hoang sơ đẹp mê hồn rất nổi tiếng trong vài năm trở lại đây, đó chính là Pù Luông. Nơi đây là điểm đến mà người ta phải thốt lên câu” Lúc đi thì ngại đường xa, lúc đến đẹp quá chẳng ai muốn về” Hãy cùng nhau tìm hiểu thêm về vùng đất khiến biết bao nhiều du khách say lòng vì thiên nhiên tươi đẹp này nhé!

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách TP Thanh Hóa 130 km về phía Tây Bắc, Hà Nội khoảng 150 km. Được thành lập năm 1999, với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng.

Pù Luông vốn là một khu bảo tồn thiên nhiên, vậy nên điều đó đồng nghĩa với việc, ở đây sở hữu những cánh rừng rậm xanh rì cũng như những suối thác tuyệt đẹp, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn lưng chừng trời tạo thành một cảnh quan núi rừng kỳ vĩ và hoang sơ. Chính điều đó đã gây ấn tượng với những ai yêu thích nhiên nhiên trong lành và cả những ai yêu nét yên bình của thiên nhiên Việt Nam.

Vào tháng 6 hoặc tháng 10 thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, khiến cho Pù Luông mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng được phủ lớp vàng óng á, đây là thời điểm tuyệt vời để lưu lại những khoảnh khắc hòa mình vào thiên nhiên giữa đại ngàn.

Bản Kho Mường: trên đỉnh cao của dãy núi Pù Luông hùng vĩ, có một thung lũng còn rất đỗi nguyên sơ và thơ mộng là bản Kho Mường của người Thái trắng. Bản nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc Gia Pù Luông, cách biệt với các bản làng khác trong vùng nên chặng đường đến nơi đây là cả một thử thách. Đường vào Kho Mường là những cung ngoằn nghèo, đang làm dang dở, một bên là vách núi, một bên là vực sâu với những thửa ruộng bậc thang vàng ruộm, những trảng rừng ngút ngát. Đây là con đường với cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng cũng dễ khiến nhiều người “chùn bước” vì độ khó khăn, hiểm trở.

Bản Kho Mường

Nhìn từ trên cao, Kho Mường hiện ra với vẻ đẹp đơn sơ, bình dị của những xóm nhà sàn nằm sát chân núi. Đa số lợp mái rơm, mái cọ với chuồng trâu, bò ở dưới, còn người ngủ phía trên như truyền thống từ ngàn đời. Phía trước các ngôi nhà sàn là những thửa ruộng bậc thang thoai thoải. Bao quanh Kho Mường là những cánh rừng già nguyên sinh hoang sơ như ôm ấp, bảo vệ xóm làng.

Bánh xe nước Kho Mường

Hang Kho Mường: là một trong số hang động có vẻ đẹp hấp dẫn trong quần thể các hang động được phát hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Những khối nhũ đá vôi được hình thành từ khoảng 250 triệu năm trước làm nên hang động này. Hang có mối liên hệ với hệ thống sông dưới lòng đất với chiều dài khoảng 2,5 km về phía Bắc và dẫn nước từ Kho Mường qua làng Pốn thuộc xã Lũng Cao. Hệ thống sông suối chảy trong lòng hang là đặc điểm chung được biết tới của các khu vực núi đá Kart, nó tạo ra sự kết nối giữa các thung lũng lòng chảo bằng sự liên kết của các dòng chảy. Hang Kho Mường còn là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, ít nhất có 4 loài dơi trú ngụ trong hang này ở các thời điểm khác nhau của năm. Càng đi sâu vào trong hang, du khách sẽ được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những khối đá, nhũ đá với những hình thù kì lạ như hình người, hình cây, mãnh thú… đủ các màu sắc khác nhau, mờ mờ ảo ảo, tất cả hiện lên vô cùng sống động và đặc sắc. Vào một ngách sâu trong hang còn có một bãi đất trống rất rộng trông như một sân bóng chuyền tự nhiên, đây là một trong những điểm nhấn của hang dơi.

Hang Kho Mường

Suối Hiêu: Dòng suối chảy quanh bản làng, chứa chan cho những mảnh ruộng. Ở nơi suối Hiêu đổ nước về những mảnh ruộng bậc thang, tạo thành dòng chảy mạnh. Nước suối trong, mát lạnh mùa hè và ấm mùa đông. Do nước ở đây chứa một lượng đá vôi lớn, nên nước suối Hiêu làm vôi hóa những bộ rễ cây nằm dưới lòng suối. 

Suối Hiêu

Bản Đôn: Bản Đôn có không gian yên bình, cảnh quan thiên nhiên đẹp hoang sơ mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của người dân bản địa, như: măng rừng, vịt cỏ, lợn rừng, gà đồi, rau bí, ngọn su su… đặc biệt là sự chân thành, mến khách của đồng bào địa phương.

Bản Đôn

Bản Son Bá Mười: Đúng với cái tên Cao Sơn, các bản làng này nằm tận trên đỉnh của dãy Pha Hé, Pha Chiến, ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, chạy song song với mạch núi Pù Luông – Cúc Phương hùng vĩ. Nằm ở độ cao như vậy, thêm vào là đường lên bản rất khó khăn nên Son – Bá – Mười như tách biệt hoàn toàn với các bản làng phía dưới chân núi, điều này tạo sự  hoang sơ rất tự nhiên cho Son – Bá – Mười cũng như rất hấp dẫn rất với những ai yêu thích du lịch mạo hiểm

Bản Son Bá Mười

Đỉnh Pù Luông: Nếu bạn là người ưa thích mạo hiểm, bạn có thể leo đỉnh Pù Luông cao trên 1.700m. Trên đỉnh Pù Luông bạn có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn phong cảnh nên thơ của núi rừng, cánh đồng, thung lũng ở dưới chân núi và tận hưởng cảm giác chiến thắng chinh phục đỉnh  vinh quang.

Đến với Pù Luông những bon chen, bừa bộn, khói bụi của cuộc sống đời thường không còn nữa, thay vào đó là không khí trong lành, mát mẻ, dễ chịu. Sâu thẳm tâm hồn bạn sẽ thực sự hòa mình vào thiên nhiên bình yên đến lạ và nhận ra sống giữa nơi núi rừng hoang sơ, vắng lặng, thiếu những thiết bị hiện đại cùng những âm thanh náo nhiệt tưng bừng là một phương pháp thanh lọc cơ thể, tâm hồn hiệu quả, còn là một trải nghiệm đầy thú vị, tiếp thêm năng lượng, tràn trề sức sống để tiếp tục phấn đấu cho những chặng đường dài.