Thủy Xuân, thoang thoảng mùi nhang thơm xứ Huế

Thủy Xuân là vùng ngoại ô bán sơn địa phía Tây, nổi tiếng có nhiều ngôi cổ tự hơn trăm năm tuổi của thành phố Huế. Nơi đây dân cư rất mộ đạo Phật, và là một địa phương điển hình về nghề làm nhang ( hương) xứ Huế.

Nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, cách thành phố Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam là làng hương lớn nhất xứ Huế – làng nhang Thủy Xuân, nổi tiếng với nghề làm nhang trầm hàng trăm năm nay.

Làng nghề làm nhang Thủy Xuân nằm trên tuyến đường tham quan du lịch lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh nên khá thuận lợi để người dân thập phương và khách du lịch biết đến làng nghề nhiều hơn. Du khách đến tham quan làng nhang, khám phá các công đoạn làm nhang bằng thủ công tại làng thích thú khi tự tay se được một cây nhang, tự mình làm nên một que nhang cũng như được tìm hiểu thêm về nghề về người và cuộc sống của người dân xứ Huế.

Nghề làm nhang ở Thủy Xuân đã tồn tại lâu đời; người cao tuổi làm nghề này cũng không nhớ có từ khi nào, chỉ biết khi sinh ra đã thấy ông bà, cha mẹ làm những cây nhang trầm thơm ngát: Cho đến giờ, trải qua 700 năm (Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế), người dân vẫn luôn duy trì nghề gia truyền.

Nhang ở Thủy Xuân có mùi thơm đặc trưng và chất lượng tốt. Hầu hết người dân ở đây đều làm nghề se nhang, sống bằng nghề làm nhang. Nghề truyền thống của ông cha đã ăn sâu vào máu thịt của người dân làng Thủy Xuân. Họ say mê, yêu nghề, tỉ mẫn với nghề từ sáng đến tối. Họ duy trì nghề bởi cái đam mê với nghề là chính, vì nhang được làm thủ công, ít dùng máy đánh nên năng suất không được nhiều như làm máy, giá thành lại rất bình dân nên lợi nhuận chỉ đủ lo bữa cơm trong ngày, thế nhưng khách đến mua nhang, mua quà lưu niệm hay chỉ để xin chụp ảnh họ đều rất vui vẻ, niềm nở với nụ cười hiền hòa, thân thiện.

Trong các nghi lễ tâm linh, người Huế không dùng nhang có mùi thơm hóa chất; do đó nhang “trầm” Thủy Xuân rất đắt khách. Nhang Thủy Xuân rất đắt khách mang hương vị đặc trưng của trầm nguyên chất, phải trải qua nhiều công đoạn bào chế, là cả sự kỳ công của người thợ. Muốn có một mẻ nhang tốt, người thợ thường chú ý đến khâu tuyển chọn nguyên liệu trầm, trộn thêm quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi. Ngoài ra còn kèm thêm bột vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn…

Người Huế rất kỵ thắp loại nhang bị tắt nửa vời, hay cháy bùng bất thường. Do đó phần lõi nhang phải làm từ ruột tre khô chẻ nhỏ, tre làm lõi nhang là tre già lấy từ rừng Nam Đông, Bình Điền, Phong Sơn được phơi nắng, nhiều ngày trời để thật khô, thật giòn. Có vậy, khi đốt lên cây nhang cháy đều, cháy đến tận chân nhang, và tàn nhang thì uốn cong mà không gãy ngang.

Sau khi phơi khô chân nhang, người thợ sẽ tiến hành công đoạn tạo màu cho nó bằng các màu “ngũ sắc” (đỏ, xanh, vàng, lục, tím): Trước đây, người Huế thường chỉ làm chân nhang với màu “đỏ” là chủ đạo, nhưng hiện nay khi đến tham quan làng nhang, khách sẽ bắt gặp sự đa sắc của chân nhang.

Những bó nhang đủ màu xòe thành những bông hoa lung linh, rực rỡ trong nắng, trông rất thích mắt. Để có được màu sắc tươi tắn cho chân nhang, người thợ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước nóng, nhúng chân nhang qua vài lần, sau đó đem phơi khô nhiều lần nữa.

Bột nhang trộn dẻo rồi được se quanh lõi nhang, se sao cho vừa đủ mỏng, tròn thì lại đem đi phơi nắng. Người làng Thủy Xuân vẫn lưu giữ cách làm nhang truyền thống bên cạnh việc sử dụng máy se nhang hiện đại. Vì tuy se tay khá vất vả nhưng lại giữ lại được nét dân gian, mộc mạc, truyền thống để giữ lại phần hồn, tinh hoa của làng nghề. Làng nhang hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường đủ các loại nhang như: hương quế, hương dầu sả, hương thơm tẩy mùi, nhang vòng, nụ trầm, nổi bật nhất là nhang trầm, nhang của làng không sử dụng hóa chất, chỉ dung các loại hương liệu, nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường, sức khỏe nên có màu vàng sáng hơn các loại nhang những nơi khác và mùi nhang đặc trưng dễ chịu.

Đến Thủy Xuân hiện nay, du khách sau khi tham quan, sẽ được hướng dẫn cách làm nhang thủ công, được tìm hiểu thêm về làng nghề và cuộc sống của người dân nơi đây. Sự nhiệt tình, thân thiện của người dân làng nhang đã thu hút nhiều du khách trở lại nhiều lần mỗi khi có dịp dến Huế.