Tinh tế kiến trúc dinh thự cổ hoành tráng nhất Kiên Giang

Không chỉ là nơi trưng bày hiện vật, Bảo tàng Tỉnh Kiên Giang (số 27 Nguyễn Văn Trỗi, phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá, Kiên Giang) còn là dinh thự cổ của địa chủ phong kiến đẹp nhất địa phương này còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Ngôi nhà thường được dân địa phương gọi là Cái Nhà Lớn, do ông Trần Nhuệ, một địa chủ lớn trong vùng cho xây dựng.

Sau này ông Trần Quang Chiêu (con thứ ba của ông Trần Nhuệ) thừa hưởng ngôi nhà nên công trình còn có tên gọi là nhà ông Ba Chiêu.

Tòa dinh thự cổ được khởi công xây dựng năm 1911, khánh thành năm 1920 với diện tích khoảng 2.000m2, bao gồm từ đường (3 gian hai chái), nhà bếp, nhà ở, sân Thiên Tĩnh.  Đội ngũ thợ xây, thợ mộc được mời từ Sài Gòn – Gia Định về thực hiện; thợ chạm khắc đều là thợ giỏi của miền Bắc, còn nguyên vật liệu xây dựng như gỗ, gạch, ngói đều mua từ miền Đông. Riêng gạch lót nền được mua và vận chuyển về từ Pháp.

Được xây dựng vào thời kỳ thuộc địa, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp nên ngôi nhà có kiến trúc “nửa Tây nửa Ta” độc đáo. Bên ngoài ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà hộp trang trí hoa văn theo lối kiến trúc của người phương Tây nhưng bên trong có kiến trúc theo kiểu nhà cổ Việt Nam.

Tinh hoa kiến trúc của ngôi nhà tập trung ở từ đường, được xây dựng theo kiểu kết cấu khung, bằng gỗ đỏ và căm xe…

Nét đặc sắc của nội thất thể hiện ở những mảng chạm khắc điêu luyện tinh tế và mang đậm xu thế hướng nội, vươn tới sự hòa nhập với thiên nhiên để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh.

Kiến trúc nội thất độc đáo, thông qua các mảng trang trí chạm khắc vô cùng tỉ mỉ, tinh tế trên nền gỗ quý. Các đề tài chủ đạo hướng về đời sống dân gian, như các hoa văn trang trí đủ các loại, từ hoa (tùng, trúc, cúc, mai), chim (dơi, công, phượng, trĩ), các loại dây leo cho đến muông thú (hươu, nai…), quả (đu đủ, nho, lựu…) cho thấy có sự kiết hợp kiến trúc giữa Đông – Tây trong các chủ đề điêu khắc. Đây là những hình tượng rất được ưa chuộng, có ý nghĩa mang lại sự hài hòa, may mắn.

Đất đắp nền nhà lấy ở biển về chở bằng xe con rùa và dùng đá kè để làm móng. Thời gian hoàn thành xong nền nhà mất 3 năm.

Trải qua bao thăng trầm theo dòng lịch sử, hiện tại tòa nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và được sử dụng làm bảo tàng trưng bày các chuyên đề cho tỉnh Kiên Giang.

Cr:Báo Ảnh Việt Nam