Top 5 ngôi Chùa độc đáo ở Tây Nguyên
Kể về Tây Nguyên, chúng ta thường nghĩ về một vùng đất hoang sơ, tĩnh mịch, đầy nắng và gió. Đâu đó trên những con đường khúc khủy là mùi café lẩn quất trong không khí, hay hình ảnh những cụ già làng móm mém cười bên hiên nhà rông, hoặc cũng có thể là tiếng cồng chiêng trầm hùng bên ánh lửa bập bùng và hương vị ấm nồng của những vò rượu cần giữa nơi núi rừng. Bên cạnh những vẻ đẹp hoang dại đó là những ngôi chùa tĩnh lặng, mang vẻ đẹp cổ kính nơi núi rừng kỳ vĩ. Cùng nhau điểm lại những ngôi chùa sau nhé, để ít nhần một lần đặt chân lên chốn đại ngàn cuốn hút này, bạn có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp bao la rộng lớn!
1. Chùa Sắc Tứ Khải Đoan -117 Phan Bội Châu, Thống Nhất, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Với lối kiến trúc mang dáng dấp cung đình Huế kết hợp hài hòa phong cách nhà sàn Tây Nguyên, xen lẫn nét hiện đại cùng bề bày lịch sử, chùa Sắc Tứ Khải Đoan tạo nên vẻ đẹp độc đáo giữa lòng Buôn Ma Thuột. Đây không chỉ là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật giáo tại Đắk Lak, mà còn là ngôi chùa cuối cùng ở Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến.
Chùa được xây dựng từ năm 1951 dưới sự chỉ đạo của Đoan Huy hoàng thái hậu – mẹ vua Bảo Đại, Nam Phương Hoàng Hậu trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công cùng một số Phật tử phát tâm cống hiến. Ngôi chùa cũng vì thế mang tên Khải Đoan, là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu.
Đứng từ phía xa, bạn có dễ dàng chiêm ngưỡng nét đẹp cổ kính của ngôi chùa với tông màu chủ đạo nâu vàng nền nã, mái ngói cong cong mềm mại hòa mình giữa thiên nhiên núi rừng tạo nên khung cảnh cuốn hút hàng triệu trái tim người mộ Đạo.
2.Chùa Minh Thành – 348 Nguyễn Viết Xuân, P. Hội Phú, Thành phố Pleiku, Gia Lai
Ngôi chùa mang dáng dấp phảng phất hơi thở của xứ Phù Tang mang những mái chóp uốn cong là một địa điểm đến không nên bỏ qua nếu bạn đến thăm phố núi Gia Lai. Với nét kiến trúc độc đáo đó đã khiến ngôi chùa như một cung điện kiêu sa giữa nơi phố núi mù sương. Khuôn viên trong sân chùa được trang trí bằng những tiểu cảnh, tượng đá, vật liệu gỗ được chạm khắc một cách rất tinh xảo. Bên cạnh đó, chùa còn có không gian xanh được các nhà sư bày trí bằng cây cối và tiểu cảnh làm cho bầu không khí trở nên rất trong lành, thanh tịnh.
Những cây liễu nhỏ rủ xuống quanh hồ tạo thành một khung cảnh rất nên thơ, những lối đi nhỏ trong khuôn viên chùa với những bức tường rêu phong, dây leo chằng chịt như một minh chứng cho sự lâu đời của ngôi chùa . Giữa những bộn bề, mệt mỏi hay căng thẳng cuộc sống chỉ cần đến nơi đây chắc chắn bạn sẽ cảm nhận một cuộc sống hoàn toàn khác, yên bình và an yên. Chiều chiều nghe tiếng chuông chùa, thoang thoảng mùi hương của những nén nhang cũng khiến tâm hồn chúng ta trở nên thật thanh tịnh và nhẹ nhàng.
3. Chùa Bửu Minh – Nghĩa Hưng, Chư Păh, Gia Lai
Tiếp tục khám phá phố núi Gia Lai, không thể bỏ qua ngôi chùa bên bờ Biển Hồ. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, tháp chùa trang nghiêm, quanh năm đứng giữa bốn bề là những đồi chè xanh hút mắt, đẫn lối vào chùa là hàng thông trăm tuổi quanh năm u tịch, nghiêng mình bên mái chùa thiêng.
Ngôi chùa nổi tiếng ở Tây Nguyên với khung cảnh yên bình kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc chùa cổ ở miền Bắc và miền Trung cùng kiểu dáng chùa Nhật Bản và Đài Loan, mang vẻ đẹp cổ kính mà lại toát lên nét hiện đại. Từ phía sau chùa, chúng ta dễ dàng nhìn thấy được núi lửa Chư Đang Ya cách đó 6m, hoặc có thể dễ dàng thăm thú Biển Hồ Tơ Nưng chỉ cách chùa 1km. Chùa Bửu Minh là niềm tự hào của mọi người ở đồi chè nói riêng và người Pleiku nói chung. Là một chốn tâm linh không thể bỏ lỡ nếu có dịp đến với Pleiku.
4. Chùa Khánh Lâm Măng Đen – Đắk Long, Kon Plông, Kon Tum
Được mệnh danh là nơi thiền định chốn rừng thiêng, chùa Khánh Lâm đã thu hút các tín đồ Phật Giáo từ nhiều khắp vùng miền vượt đại ngàn bao la để đến nơi thâm sơn cùng cốc vãn cảnh và lễ chùa. Điều gì đã tạo nên sứ hút đến như vậy?
Chùa Khánh Lâm Măng Đen nằm trên ngọn đồi cao 1200m so với mặt nước biển, bạn có thể dễ dàng trông thấy ngôi chùa từ chợ Kon Plông. Để đến chánh điện chùa bạn phải trải qua khoảng 200 bậc thang từ lối vào, len lỏi giữa khung cảnh núi rừng xanh ngát là ngôi chùa màu đỏ gạch. Chùa không chỉ nổi tiếng về sự linh thiêng mà kiến trúc và khung cảnh tuyệt vời khi đến đây cũng làm người ta xao xuyến. Ngoài ý nghĩa ngoạn cảnh, tìm về với thiên nhiên trong lành, khách thập phương còn tìm thấy ở đây ý nghĩa tâm linh, tịnh độ cho tâm hồn và cuộc sống.
5. Chùa Linh Quy Pháp Ấn – Lộc Thanh, Lâm Đồng
Ẩn mình trên đồi 45, chùa được người dân địa phương gọi bằng am Pháp Ấn. Nơi thanh tịnh này nằm trên ngọn đồi cao, lọt thỏm giữa những rừng cây, vườn chè. Không gian xanh mướt xung quanh càng làm cho không khí thanh thoát, nhẹ nhàng, mê hoặc lòng người. Cũng vì vậy, phong cảnh nơi đây không những được ví như chốn bồng lai tiên cảnh thanh tịnh, yên bình vô cùng mà còn trở thành viên ngọc quý của tỉnh Lâm Đồng.
Đường lên chùa hơi khó, lối đi nhỏ hẹp. Tuy nhiên khi đặt chân đến nơi, chắc chắn bạn sẽ thấy công sức của mình không hề lãng phí. Chùa Linh Quy Pháp Ấn có cánh cổng Thần Đạo uy nghiêm được ví như “Cổng trời”. Cánh cổng phảng phất nét kỳ bí nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ càng làm cảnh sắc nơi đây thêm phần lung linh. Đứng ở cổng, hãy phóng tầm mắt ra xa để thấy bốn phía đều huyền diệu, mờ ảo, đẹp như tranh vẽ.