Về kinh đô Công Giáo Việt Nam thăm Nhà Thờ đá trăm tuổi

Nhà thờ đá Phát Diệm – ngôi thánh đường cổ kính hơn 120 năm tuổi được xây dựng trong suốt 30 năm. Công trình làm hoàn toàn bằng đá và gỗ lim được mệnh danh là “kinh đô Công giáo Việt Nam”.

Nhà thờ đá Phát Diệm cách thành phố Ninh Bình 28 km về phía nam, nhà thờ tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 117m, dài 243m, giữa trung tâm thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm (hay còn gọi là nhà thờ đá Phát Diệm) là quần thể nhà thờ Công giáo được đánh giá đẹp nhất Việt Nam. Tên gọi Phát Diệm nghĩa là “phát sinh ra cái đẹp”.

Quần thể kiến trúc này được xây dựng bởi chủ trì linh mục Phêrô Trần Lục. Người đời thường gọi ông với cái tên thân thiết đó là cụ Sáu – vị linh mục chính xứ Phát Diệm từ năm 1965. Phải mất gần 30 năm kể từ lúc khởi công năm 1875 thì mãi đến năm 1898 công trình mới được hoàn thiện. Với chất liệu làm hoàn toàn bằng đá và gỗ lim, nó đã được mệnh danh là “kinh đô Công giáo Việt Nam”

Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá); phương đình (tháp chuông); ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. Tất cả được bố trí trên một không gian hĩnh chữ “Vương”, theo hướng mở với phía trước có hồ, sau có núi. Nhờ vậy càng tăng thêm nét hữu tình. Đồng thời thể hiện rõ tư duy, quan niệm sống của người Á Đông “tiền có thủy, hậu có sơn”.

Nhà thờ Phát Diệm độc đáo ở chỗ mặc dù là công trình Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam với vô số mái cong hình mũi thuyền là sự kết hợp hài hoà kiến trúc hiện đại từ phương Tây với kiến trúc truyền thống của người phương Đông.

Nhà thờ Phát Diệm được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu đá và gỗ lim. Gỗ được lấy từ nhiều địa phương như Nghệ An, Thanh Hoá, Sơn Tây…, còn đá được đưa về từ núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30 km, đá quý hơn lấy ở núi Nhồi gần tỉnh lỵ Thanh Hóa, cách 60 km.  Những phiến đá nặng hàng chục tấn được các nghệ nhân cắt, xẻ, tách khấc kết hợp với dầu mía trộn với vôi để tạo dựng lên từng công trình trong quần thể di tích.

Nhà thờ đá Phát Diệm còn có nhiều chi tiết được chạm trổ rất tinh xảo. Quanh công trình được bài trí vô số hình tượng thân thuộc được lấy từ các làng quê Việt Nam như tùng, cúc, trúc, mai hay hoa sen…

Những bức phù điêu được tạc từ đá xanh nguyên khối mô phỏng các tích truyện được kể lại theo Kinh Thánh của người Công giáo.

Nằm ở vị trí trung tâm là khu nhà thờ lớn, được xây cất chỉ trong 3 tháng cuối năm 1891, nhưng công việc chuẩn bị vật liệu và trị chân móng đã kéo dài cả 10 năm trước đó.

Phát Diệm xưa vốn là vùng biển được phù sa bồi đắp, nền đất yếu khiến cụ Sáu đã phải cho nhân công đóng xuống hàng triệu cọc tre và hàng nghìn khối đất đá mới đặt được nền móng vững chắc cho công trình này.

Toàn bộ phần mộc, nội thất nhà thờ và các bức vách hai bên được làm bằng gỗ lim thân lớn. Lợp mái là ngói mũi hài, loại ngói truyền thống ở các đình chùa.

Trong hệ thống 5 nhà thờ nhỏ ở Phát Diệm có một ngôi được làm hoàn toàn bằng đá có tên là Trái Tim Đức Mẹ. Công trình được cụ Sáu cho xây đầu tiên trong cụm di tích này.

Nhà thờ dài 15,3 m, rộng 8,5m, cao 6 m. Hầu hết nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp hay bàn thờ đều bằng đá, do đó người Phát Diệm quen gọi là nhà thờ Đá.

Trải qua hơn 100 năm tồn tại, dù chịu nhiều tác động từ thiên tai, chiến tranh, nhưng công trình vẫn khá vững chãi và được giữ gìn nguyên trạng cho đến ngày nay.

Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Tỉnh Ninh Bình và các cơ quan liên quan đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới.