Về Lũng Vân, chạm mây xứ Mường Bi

Cách Hà Nội 120 km, Lũng Vân là nơi cao nhất có người Mường sinh sống ở nước ta. Lũng Vân là một xã thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.  Ai đã từng tới Hòa Bình biết đến những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc Mường, chia ra thành bốn xứ Mường cổ mang tên Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Và Lũng Vân, nơi được coi là “nóc nhà của xứ Mường Bi” trong cái nôi văn hóa lớn và cổ xưa nhất đất Hòa Bình.

 Nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 40 km, thuộc huyện Tân Lạc, vùng đất này nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vỹ cùng nét văn hóa Mường đặc trưng. ảnh sắc đẹp và còn giữ được nhiều nét sinh hoạt truyền thống của người Mường. Từ Địch Giáo nhìn theo hướng con đèo ngoằn ngoèo có tên là Dốc Mùn trườn ngược lên sườn núi dốc đứng, trên cao ấy, nơi những ngọn núi chìm trong biển mây ấy là Lũng Vân nóc nhà của xứ Mường Bi.

 Nếu không có con đèo, thật khó lòng hình dung trên ngàn mây ấy lại có con người sinh sống. Vây quanh lòng chảo là những bản Mường nhà sàn như treo trên lưng chừng sườn núi, lúc ẩn lúc hiện trong mây luồng. Chẳng những có con người, mà con người còn có mặt ở đây đã ngàn năm. Vùng đất  này còn có cái tên cổ xưa mà ngày nay ít người còn biết, còn gọi, đó là Mường Chậm. Chữ Chậm không phải là nhanh chậm theo nghĩa tiếng Việt, nhưng trong tiếng Mường nó cũng không có nghĩa gì. Nguồn gốc xa xưa của địa danh này vẫn chưa có ai lần ra được. Lũng Vân nằm ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển, quanh năm phủ mây mù, lại được bao bọc bởi núi Trâu, núi Pó, núi Tiên nên còn được biết đến với tên gọi Thung Mây.

Mặc dù nằm sâu bên trong trục đường Hòa Bình – Mộc Châu, đường đi lối lại vô cùng hiểm trở với đèo cao dốc ngược liên tiếp dài 13 km, nhưng Lũng Vân có sức lôi cuốn kỳ lạ với những làn mây huyền ảo như xứ sở thần tiên.

Lũng Vân bước ra từ truyền thuyết “Đẻ đất Đẻ nước” của người Mường với sự cách trở về giao thông so với phần còn lại của xứ Mường Bi. Cũng vì lẽ đó, Lũng Vân được bảo tồn khá nguyên vẹn bất chấp dòng chảy của thời gian. Có thể nói, “Vùng đất của mây mù” chính là nơi hội tụ đầy đủ bản sắc văn hóa lâu đời của người Mường. Du khách sẽ vô cùng thích thú với kiến trúc nhà sàn dốc hình con rùa cổ kính, hay những sản vật tinh tế mang nét riêng biệt của người Mường như: váy, khăn thổ cẩm.

Với những huyền thoại và cảnh đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng nơi này, không ít người đã phải thốt lên đầy kinh ngạc về một cuộc sống thanh bình như ở chốn tu tiên. Cuộc sống trong thung lũng này cứ lung linh huyền ảo như trong một câu truyện cổ tích có thật.

Buổi sáng ở Lũng Vân gió mát và nắng nhẹ, những ánh mây trắng chờn vờn trên khắp các đỉnh núi, bản làng, du khách sẽ có cảm giác như mình đang sống giữa biển mây bềnh bồng, khẽ giơ tay là có thể chạm đến những đóa hoa mây trắng muốt… Đến khi, mặt trời lộ diện, nắng xuyên thẳng lớp mây mù dày đặc tràn xuống thung lũng. Những giọt sương giá ngày đông đọng trên màu lá xanh mướt của những thửa ruộng bậc thang sáng lấp lánh như ngọc bích. Màu trắng của mây, màu vàng của nắng, màu xanh của ngàn cây hòa làm một tạo nên bức tranh thơ tuyệt diệu giữa miền sơn cước.

Người Mường ở Lũng Vân còn giữ được tập tục canh tác lúa trên ruộng bậc thang theo lối thủ công truyền thống. Do sống khá cách biệt nên trong canh tác lúa nương, người Mường nơi đây cũng khác với người Mường ở vùng thấp. Những thửa ruộng bậc thang phải đợi đến “nước trời”là mưa xuống mới bắt đầu canh tác. Vì thế, dù năng suất không cao nhưng hạt gạo Lũng Vân lại thơm ngon ít nơi nào sánh bằng.

Thời điểm sau Tết đến tháng Tư hàng năm là lúc Lũng Vân đẹp nhất năm, bởi đó là lúc có nhiều mây bao phủ nhất. Mây bắt đầu xuất hiện từ chiều tối, đến sáng sớm hôm sau thì tan dần và đến giữa trưa thì trời quang hẳn. Đây cũng là thời điểm người Mường bắt đầu vào vụ cấy trên những thửa ruộng bậc thang được ví như “tấm gương trời khổng lồ xứ Mường Bi”. 

 Ở Lũng Vân có một chợ duy nhất, nằm ngay trung tâm xã, họp mỗi tuần một lần vào ngày thứ ba, du khách có thể đến đây để tìm hiểu những nét đẹp văn hóa sắc văn hóa của dân tộc Mường. Đa số ở chợ là thuần hàng địa phương, từ vải vóc, thổ cẩm, đồ đan, tới rau cỏ, củ quả, hoa trái, chim thú rừng… Và gian hàng của những chiếc váy truyền thống đa phần là màu đen, đầu váy trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật khiến du khách không ngừng trầm trồ bởi sự tinh tế trong văn hóa người Mường.

Lễ hội văn hóa xứ Mường Bi là một trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo người dân và du khách quan tâm. Mỗi lễ hội là một bức tranh phản ánh hiện thực xã hội Mường cổ, tiêu biểu như Nạ Mụ, Nhóm lửa, Xuống đồng, Rửa lá lúa, đặc biệt là hai lễ hội lớn: Khai hạ, Cơm mới. Bên cạnh đó, người dân Lũng Vân với sự chân chất vốn có từ trong nếp ăn ở tới lối suy nghĩ hay niềm tin thờ tự cũng tạo ra sức hấp dẫn không kém với du khách.

Nếu bạn muốn tránh xa sự ồn ào, khói bụi nơi thành thị thì Lũng Vân là nơi lý tưởng với không gian thiên nhiên tĩnh lặng, yên bình. Những nếp nhà nằm im lìm dưới mây, thấp thoáng trong mây những bụi cải vàng trước cửa đung đưa theo gió, nụ đào chúm chím bên hiên nhà chờ nắng tới hay những người con xứ Mường hiền hòa thân thiện điều mang  đến ấn tượng khó quên trong long lữ khách. Bởi vậy tuy thưa thớt bóng người nhưng Lũng Vân lại không hề gợi cảm giác hoang vắng, quạnh hiu. Cảnh sác thiên nhiên thanh bình và con người nơi đây dễ khiến du khách mở lòng và quên đi những mọi lo âu thường nhật.

Những đặc sản phải thử khi đến xứ Mường Bi

Món thịt trâu nấu lá lồm: Với công thức chế biến độc đáo, thịt trâu được làm sạch, thui vàng và đem nấu chín. Sau đó thái miếng vừa ăn cho vào nồi hầm chung với lá lồm và một chút gạo đến khi hạt gạo chín là có thể thưởng thức món ăn rồi nhé.

Món lợn mán thui luộc: Thịt lợn ở Hòa Bình thường được nuôi thả rông, thức ăn chủ yếu từ thiên nhiên nên thịt lợn rất thơm và chắc. Khi chế biến người ta đem thui vàng để tạo màu và mùi thơm hấp dẫn, sau đó đem luộc chín và thưởng thức.

Món rau rừng đồ: Một món ăn ngon ở Hòa Bìnhnữa đó là món rau rừng đồ. Món ăn được chế biến đơn giản, với nguyên liệu từ các loại rau rừng đem rửa sạch và luộc chín.

Món thịt lợn muối chua: Không phải là món ăn quá xa lạ gì, nhưng nếu có cơ hội đến Lũng Vân thì cũng nên thưởng thức món ăn này dù chỉ một lần. Món thịt lợn muối chua với công thức chế biến độc đáo, thịt lợn được làm sạch, ướp với lá men rừng, giềng, muối, rượu nếp cái, sau đó xếp vào bồ tre và rắc bột gạo, muối rang lên trên. Cứ một lớp thịt lại một lớp gạo và muối rang, đến khi nào thịt đầy bồ là được. Để bồ thịt gác lên bếp hoặc để cạnh bếp củi vào ngày là ăn được.

Cơm lam Hòa Bình: Món ăn được làm chủ yếu từ gạo nếp nương – Loại gạo ngon hảo hạng, đem làm sạch và ngâm qua đêm. Sau đó trộn với cùi dừa nạo sợi và cho vào ống nữa, thêm một chút nước dừa tươi, nước cốt dừa để tạo mùi thơm và mang đi nướng chín.

Với những tiềm năng sẵn có, Lũng Vân hiện đang là một điểm thu hút khách du lịch. Đến Lũng Vân, du khách có thể tham quan, nghỉ đêm tại nhà sàn của người Mường, cùng làm những công việc hàng ngày với người dân hay tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thưởng thức đặc sản địa phương sẽ làm cho bất cứ ai đã từng đặt chân đến nơi này có những ấn tượng khó quên …